Bạn đang ở đây

Sản xuất công nghiệp nỗ lực vượt khó

07/07/2013 14:45:06

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ngành thường xuyên gặp gỡ, tìm hiểu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trung Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Sở Công thương Yên Bái đánh giá: "Do các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh chưa phát huy hiệu quả cao dẫn đến sản phẩm tiêu thụ chậm, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hay dừng hoạt động".

Cụ thể, lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn nhất do các chính sách về cấp mỏ, về xuất khẩu, về đầu tư công có nhiều thay đổi. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp phải dừng khai thác do hết hạn cấp phép cũ, chưa được cấp phép mới; do tạm dừng xuất khẩu quặng sắt, chì kẽm, đá khối.

Nhiều doanh nghiệp lúng túng về thị trường tiêu thụ sản phẩm sau khi xuất hết hàng tồn kho và hết hạn xuất khẩu vào cuối năm 2013. Lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng như: xi măng, gạch, vật liệu xây dựng thông thường có xu hướng tăng song không ổn định. Lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm - nông sản - thực phẩm lại gặp khó khăn do thiếu vốn lưu động để thu mua nguyên liệu nông - lâm sản trong kỳ thu hoạch, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường không ổn định, giá bán không tăng tương ứng, hiệu quả kinh doanh giảm thấp...

 

Cùng với những cố gắng của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, huy động các nguồn vốn để đẩy mạnh tiến độ đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ... thì sáu tháng qua cũng thể hiện những cố gắng của tỉnh, ngành, các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là việc thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh tới các doanh nghiệp, trong đó, ngành công thương đã đề xuất một số giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại.

 

Trong đó, nhiều cơ sở chế biến phát triển tự phát, ảnh hưởng không tốt đến thu mua nguyên liệu chè, gỗ rừng trồng; tinh dầu quế... Lĩnh vực phát điện và đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng hạn chế, trong khi năng lực chủ đầu tư có hạn, tiến độ triển khai chậm. Hầu hết dự án thủy điện chậm tiến độ, đầu tư hệ thống truyền tải vào lưới quốc gia chậm... Các dự án có quy mô khá được đầu tư chuyển tiếp từ các năm trước: Nhà máy Chế biến gỗ MDF, Nhà máy Chế biến Ethanol, Nhà máy Chế biến ván ép xuất khẩu, Nhà máy Bột giấy đang xây dựng song tiến độ chậm...

Cùng với những cố gắng của doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường, huy động các nguồn vốn để đẩy mạnh tiến độ đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ... thì sáu tháng qua cũng thể hiện những cố gắng của tỉnh, ngành, các địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là việc thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh tới các doanh nghiệp, trong đó, ngành công thương đã đề xuất một số giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp và thương mại.

Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành tổ chức thành công 2 hội nghị doanh nghiệp nhằm nắm bắt tình hình thực tế và những khó khăn vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất trong đầu năm; triển khai các chương trình khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp và tiết kiệm năng lượng... Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 1994) 6 tháng của năm 2013 đạt 1.777,59 tỷ đồng, bằng 43,36% kế hoạch năm, tăng 11,38% so với cùng kỳ. Nếu tính theo giá trị so sánh năm 2010 thì giá trị sản xuất công nghiệp của 6 tháng ước đạt 3.172 tỷ đồng, tăng 26,45% so với cùng kỳ.

Sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chậm.

Một số ngành sản phẩm công nghiệp có chỉ số sản xuất tăng khá so với cùng kỳ là: khai thác quặng sắt tăng 53,19%, gỗ cưa xẻ các loại tăng 36,13%, sản xuất hạt bột mài tăng 19,48%, xi măng tăng 12,5%... so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều ngành sản phẩm lại có chỉ số giảm như: khai thác đá phiến giảm 49,95%, tinh dầu quế giảm 42,46%, đá xây các loại giảm 14,68%, gạch nung giảm 5,49%... Đáng lưu ý, tồn kho của các doanh nghiệp sản xuất chè, xi măng khá lớn.

Để giá trị 6 tháng cuối năm đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2013 là 4.100 tỷ đồng rất khó khăn. Nguyên nhân do các doanh nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh vẫn chưa được mở rộng; lãi suất vay vốn đã giảm mạnh, ngân hàng cũng đã khá thông thoáng cho vay, song ít doanh nghiệp vay đầu tư mới...

Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn có những điểm sáng, như ông Nguyễn Trung Lân phân tích: "Đó là các giải pháp của Chính phủ, của tỉnh đã được thực hiện; các doanh nghiệp tập trung xuất khẩu hàng tồn khoáng sản đến hết năm; một số dự án hoàn thành đi vào hoạt động như thủy điện Văn Chấn, xử lý rác thải Nam Thành... Thời gian cuối năm cũng là dịp để phát triển mạnh sản xuất các mặt hàng nông - lâm sản: sắn, chè, gỗ.

Các sản phẩm vật liệu xây dựng cũng vào mùa xây dựng, nhất là cung cấp cho một số công trình lớn trên địa bàn. Lãi suất cho vay đã giảm và sẽ tiếp tục giảm theo lộ trình, điều kiện cho vay của các ngân hàng đã thông thoáng hơn; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn nộp thuế tiếp tục được thực hiện... Vì vậy, chúng ta có thể đạt mục tiêu đã đề ra".
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, ngành công thương chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, với ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về các chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn, động viên các doanh nghiệp phát triển sản xuất.

Đồng thời đẩy nhanh triển khai các hoạt động khuyến công - tư vấn phát triển công nghiệp, tiết kiệm năng lượng theo kế hoạch đã được duyệt; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh, trong đó trọng tâm là an toàn lao động, xử lý chất thải đảm bảo môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát chấp hành luật pháp, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh; tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng sàn giao dịch, triển khai các hội chợ theo kế hoạch.

Tỉnh cũng cần tiếp tục kiến nghị với Chính phủ về việc tiếp tục cho phép các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá vôi trắng được phép xuất khẩu đá Block (thay vì chỉ được xuất khẩu đến hết năm 2013) kèm với sản lượng các chủng loại sản phẩm chế biến khác từ đá trắng nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên. Song song có định hướng cho các doanh nghiệp khai thác và tuyển quặng sắt, chì kẽm và các khoáng sản kim loại khác trong liên kết tiêu thụ trong nước hoặc được xuất khẩu có điều kiện; cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng tồn kho và sản phẩm khai thác thêm năm 2013.

Đề nghị UBND tỉnh thực hiện các giải pháp khuyến khích các đơn vị xây dựng trên địa bàn sử dụng vật liệu xây dựng được khai thác và sản xuất trong tỉnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này. Mặt khác cần rà soát, đánh giá toàn bộ các cơ sở chế biến nông - lâm sản hiện có, tập trung vào ngành chế biến chè, gỗ rừng trồng, tinh dầu quế; phân xếp loại các cơ sở sản xuất; kiên quyết dừng sản xuất các cơ sở không đủ các điều kiện quy định; có biện pháp đôn đốc, kiên quyết đẩy nhanh các dự án vừa và lớn như: Nhà máy ván MDF, EEthanol, bột giấy... và nếu cần thiết có thể thu hồi để cấp cho nhà đầu tư khác.

Theo YBĐT