CôngThương - Các chính sách kinh tế của ông Abe (Abenomics), nhằm hồi sinh Nhật Bản, đang được vận hành với tốc độ chưa từng có. Kích thích tài khóa cũng như nới lỏng tiền tệ vẫn đang tiếp tục để phục vụ "Chiến lược tăng trưởng", cải cách cấu trúc và chính sách.
Lợi nhuận doanh nghiệp và tiêu dùng đang tăng lên. Thị trường chứng khoán cũng khởi sắc, dù mới trải qua một đợt điều chỉnh gần đây. Rõ ràng, Thủ tướng Abe và Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông đang được lòng dân. Lãnh đạo doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản cũng tự tin hơn rằng nền kinh tế của họ cuối cùng đã có thể đi đúng hướng.
Bản thân Thủ tướng và các chính sách của ông vẫn đang được hưởng lợi từ kỳ vọng tăng cao do những thành công ban đầu và mong đợi khiêm tốn trong suốt hai thập kỷ tăng trưởng ảm đạm. Bên cạnh đó, Thủ tướng sẵn sàng vận dụng vốn liếng chính trị của mình để đạt kết quả cải cách.
Câu hỏi được đặt ra là thành công hiện tại liệu có kéo dài được lâu? Xét về chính trị, triển vọng là rất đáng khích lệ. Chính phủ liên hiệp do LDP lãnh đạo đã giành được đại đa số tại Hạ viện và có thể chiếm đủ ghế Thượng viện trong cuộc bầu cử tháng tới, để kiểm soát chắc chắn hơn các chương trình nghi sự của quốc hội.
Đảng Dân chủ Nhật Bản và các đảng đối lập khác đang bận rộn đấu đá nội bộ, nên sẽ không thể có sự chống đối đáng kể nào, chí ít trong năm 2013. Trên thực tế, dù tình hình có thể phức tạp hơn vào năm tới, Abenomics vẫn còn rộng chỗ. Vì cho dù lương không tăng nhanh như kỳ vọng, đồng yen yếu khiến nhập khẩu đắt đỏ hơn và lạm phát cao làm phương hại đến uy tín của chính phủ, ông Abe không nhất thiết phải thoái lui.
Thủ tướng sẽ không phải đối mặt với cuộc bầu cử Chủ tịch LDP cho đến mùa thu năm 2015. Bầu cử Thượng viện và Hạ viện cũng không cần phải được tổ chức cho đến năm 2016. Như vậy, LDP có ít nhất ba năm để kiểm nghiệm những ý tưởng của mình. Điều này rất quan trọng đối với đất nước đã thay 15 thủ tướng trong 20 năm qua.
Một câu hỏi quan trọng hơn là liệu Abenomics có thể khôi phục lại động lực và tính tự tin của Nhật Bản. Lĩnh vực này khó khăn hơn rất nhiều. Trước hết là việc trả nợ và sự kịp thời của các biện pháp giảm nợ.
Nếu ông Abe cắt giảm chi tiêu quá nhanh hoặc tăng thuế quá sớm, nỗ lực kích thích lạm phát của ông sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu hành động quá chậm hay làm quá ít để giải quyết lo ngại của nhà đầu tư, niềm tin vào thị trường trái phiếu Chính phủ sẽ bị xói mòn. Chi phí nợ của Nhật Bản cũng sẽ gia tăng.
Điều đáng lo ngại hơn là cuộc tranh cãi về việc nợ có nguy hiểm hay không. Các nhà hoạch định chính sách đã bỏ qua điều này trước mối nguy của đất nước. Ông Abe hiểu rằng kích thích kinh tế cần phải đi trước và thắt lưng buộc bụng có thể phải chờ sau. Nhưng việc này không thể kéo dài vô thời hạn nếu ông có ý định duy trì niềm tin của các nhà đầu tư.
Còn một số lý do khác để nghi ngờ liệu Abenomics có thể thu được những thắng lợi bền vững. Đến nay, ông Abe vẫn tập trung vào củng cố khu vực nông nghiệp, nhằm loại bớt rào cản đầu tư vốn vào khu vực tư nhân, và để xây dựng những khu vực kinh tế đặc biệt.
Tất cả điều này đều quan trọng. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với sự phản đối của người lao động trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện, ông Abe vẫn ngần ngại trước kế hoạch tạo thuận lợi cho quá trình sa thải nhân công toàn thời gian cũng để dễ thuê những người mới. Việc này có thể giải phóng dòng chảy lao động từ các ngành công nghiệp tụt hậu sang khu vực kinh tế hiệu quả cao. Ông Abe yêu cầu các công ty nâng lương, tăng đầu tư trong nước, và tiếp tục các hoạt động tại Nhật Bản để thúc đẩy cải cách. Tuy nhiên, ông lại đã không giảm thuế doanh nghiệp để giúp họ cạnh tranh hiệu quả hơn cả trong và ngoài nước.
Các giám đốc doanh nghiệp vẫn ủng hộ ông Abe, nhưng sự kiên nhẫn của họ cũng có giới hạn. Bỏ qua chủ nghĩa dân tộc, Nhật Bản vẫn còn nhiều thách thức dài hạn khác. Với tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa, cải cách nhập cư là rất quan trọng nếu Nhật Bản muốn duy trì lực lượng lao động. Tuy nhiên, dù ông Abe thừa nhận cần phụ nữ trẻ đi làm, việc này lại đòi hỏi sự thay đổi về văn hóa - chính trị và nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ thủ tướng nào.
Điều quan trọng nhất là ông phải tránh được cạm bẫy chủ nghĩa dân tộc mà ông đã vướng phải trong nhiệm kỳ đầu làm thủ tướng (2006 – 2007). Khôi phục lại niềm tin dân tộc rất quan trọng với một cường quốc đã trải qua hai thập kỷ tăng trưởng chậm.
Tuy nhiên, khi Abenomics có tiến triển, nhiều người ngoài cuộc lai lo ngại chính quyền của ông sẽ tăng cường sức mạnh chính trị bằng cách chơi con bài tự hào dân tộc, thay vì xây dựng sức mạnh kinh tế cốt lõi - nguồn gốc của khả năng hồi sinh và tương lai nước Nhật. Sức mạnh Nhật Bản có được là từ nền kinh tế, sự sáng tạo, các công ty, công nhân và người tiêu dùng, chứ không phải từ đột biến về khả năng quân sự hoặc lập trường quốc tế ngang ngược.