Tuy nhiên qua quá trình triển khai Nghị định này còn nhiều hạn chế chưa phù hợp với tình hình thực tế, cần phải ban hành Nghị định mới. Vì vậy ngày 12/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, bãi bỏ Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07/4/2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu.
Nghị định này gồm có 6 chương và 32 điều trong đó quy định về sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm bao gồm: Đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu và cồn thực phẩm. Áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Phòng Quản lý thương mại xin giới thiệu một số điểm cơ bản cần lưu ý như sau:
Quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm
Sản phẩm rượu là sản phẩm hàng hóa bắt buộc phải đăng ký bản công bố hợp quy.
Thủ tục đăng ký bản công bố hợp quy theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.
Quy định về nhãn hàng hóa sản phẩm rượu
Sản phẩm rượu chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu.
Sản phẩm rượu tiêu thụ tại Việt Nam phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa thực phẩm.
Đối với rượu sản xuất để xuất khẩu thì thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo yêu cầu của nước nhập khẩu với điều kiện những yêu cầu này không làm sai lệch bản chất của hàng hoá, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.
Quy định về tem sản phẩm rượu
Sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và sản phẩm rượu nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm theo quy định của Bộ Tài chính (trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu).
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 sản phẩm rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước lưu hành trên thị trường phải được dán tem.
Bộ Tài chính quy định việc in, ban hành tem và quản lý sử dụng tem sản phẩm rượu tiêu thụ trong nước và tem sản phẩm rượu nhập khẩu.
Tem sản phẩm rượu sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ trong nước chỉ được cấp cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu, Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu.
Sản phẩm rượu sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài thực hiện dán tem theo quy định của nước nhập khẩu.
Quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm rượu
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu có trách nhiệm cung cấp thông tin về sản phẩm rượu của mình theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin về sản phẩm rượu phải nêu rõ thành phần, hàm lượng, tác hại của việc lạm dụng rượu.
Việc quảng cáo sản phẩm rượu phải theo quy định của pháp luật hiện hành về quảng cáo.
Nghị định quy định điều kiện cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp gồm:
Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề sản xuất rượu phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia-Rượu-Nước giải khát được phê duyệt; có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu (có nguồn gốc hợp pháp); đảm bảo các điều kiện theo quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường; có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp nhãn hàng hóa sản phẩm rượu tại Việt Nam; cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp; người tham gia trực tiếp sản xuất rượu phải đảm bảo sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm.
Bộ Công Thương là cơ quan cấp giấy phép sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu có quy mô từ 3 triệu lít/năm trở lên. Sở Công Thương là cơ quan cấp giấy phép kinh doanh sản xuất rượu đối với những dự án đầu tư sản xuất rượu tại địa phương có quy mô sản xuất rượu dưới 3 triệu lít/năm. Nghị định đã quy định rõ đối với:
1/ Sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh gồm:
- Có đăng ký kinh doanh ngành, nghề sản xuất rượu thủ công;
- Đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường, chất lượng, an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa sản phẩm rượu theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Thẩm quyền cấp giấy phép là Phòng Kinh tế /Kinh tế hạ tầng huyện, thị xã, thành phố nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
- Giấy phép này có thời hạn 05 năm.
2/ Sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu gồm:
- Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với chính quyền địa phương tại nơi sản xuất.
- Ủy ban nhân dân xã, phường nơi tổ chức, cá nhân đặt cơ sở sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu là cơ quan để tổ chức, cá nhân đến đăng ký sản xuất rượu.
- Tổ chức cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất rượu do mình sản xuất.
Nghị định cũng quy định điều kiện cấp giấy phép kinh doanh phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu được xác định trên các nguyên tắc sau:
- Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu được xác định theo số dân trên cả nước theo nguyên tắc không quá một (01) Giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu trên bốn trăm nghìn (400.000) dân.
- Giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu được xác định trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc không quá một (01) Giấy phép kinh doanh bán buôn sản phẩm rượu trên một trăm nghìn (100.000) dân.
- Giấy phép kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu tại các cửa hàng bán lẻ trên huyện, thị xã, thành phố được xác định theo nguyên tắc không quá một (01) Giấy phép bán lẻ sản phẩm rượu trên một nghìn (1.000) dân và phù hợp theo quy hoạch hệ thống kinh doanh bán lẻ sản phẩm rượu.
Về nhập khẩu rượu, theo quy định của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP, đối với doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm rượu, chỉ doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh phân phối mới được nhập khẩu trực tiếp rượu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm của rượu nhập khẩu. Doanh nghiệp nhập khẩu rượu bán thành phẩm và phụ liệu dùng để pha chế thành rượu thành phẩm chỉ được bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu. Đây cũng là điểm mới so với Nghị định số 40/2008/NĐ-CP về sản xuất kinh doanh rượu vì theo Nghị định này doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh bán buôn mới được nhập khẩu trực tiếp, ủy thác nhập khẩu rượu./.
Nguồn: Phòng QLTM