Một số chính sách tăng cường quản lý đầu tư và tài nguyên của Chính phủ đã có tác động mạnh đến sản xuất tiêu thụ một số mặt hàng chủ lực của tỉnh như quặng sắt, đá trắng, chì kẽm, xi măng...Phần lớn các DN thiếu vốn, thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ yếu gặp khó khăn...Hiện nay một số giải pháp của Chính phủ và của tỉnh đã được thực hiện và bắt đầu có những tác động tích cực đến SXKD của các DN: như các chính sách giãn giảm thuế, hạ lãi suất, đầu tư một số công trình hạ tầng, gia hạn xuất khẩu một số mặt hàng khoáng sản...cùng với sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, đã thúc đẩy SXKD đạt kết quả khá:
Trong năm 2012, sản xuất công nghiệp dù chưa đạt kế hoạch đề ra song trong tình hình khó khăn khốc liệt thì kết quả đạt được đã phản ánh rõ nét về sự thích ứng nhanh của các DN. Giá trị SXCN (giá cố định 1994) ước đạt 3.851 tỷ đồng, bằng 98.74% so với kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,08%, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 15,18%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,81%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 35,42%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và sử lý rác thải, nước thải tăng 14,65%.
Hoạt động thương mại có sự bứt phá mạnh nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 7.828 tỷ đồng, vượt 11,83% kế hoạch, tăng 20,49% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 46,27 triệu USD, vượt 15,6% kế hoạch, tăng 28,8% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12.714,8 ngàn USD, tăng 29,28% so với cùng kỳ năm 2011.
Bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, qua 4 tháng triển khai cho thấy đã có những dấu hiệu tích cực trong sản xuất kinh doanh. Mặc dù trùng vào kỳ nghỉ tết dài ngày, bình quân các doanh nghiệp chỉ SXKD hơn 3 tháng song vẫn đạt kết quả khá. Đáng chú ý là hầu hết các sản phẩm đều tăng, kể cả sản phẩm gặp khó khăn trong tiêu thụ như xi măng tăng 14,3%, Quặng sắt tăng 16% so cùng kỳ...
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất công nghiệp đạt được phù hợp với kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) quý I ước đạt 806,829 tỷ đồng, bằng gần 20% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2012; 4 tháng đầu năm: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,36% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó: Công nghiệp khai khoáng tăng 0,97%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,96%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng tăng 2,58%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và sử lý rác thải, nước thải tăng 21,32%.
Kinh doanh thương mại tiếp tục duy trì sự tăng trưởng từ trước trong và sau tết. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 2.280,8 tỷ đồng, tăng 20,39% so với cùng kỳ và bằng 27% kế hoạch năm; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,212 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ và gần bằng 25% kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,88 triệu USD, tăng 305,25% so với cùng kỳ năm 2012. 4 tháng đầu năm: Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt 3.039 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ và bằng 36,18% kế hoạch năm; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,894 triệu USD, tăng 34,58% so với cùng kỳ và gần bằng 40% kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,619 triệu USD, tăng 340,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Mặc dù đạt được những kết quả khá, song dự báo tình hình trong thời gian tiếp theo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, các DN trong ngành vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng của những khó khăn, cụ thể cho từng nhóm DN như sau:
Nhóm khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng: Đây là nhóm gặp nhiều khó khăn nhất do các chính sách về cấp mỏ, về xuất khẩu, về đầu tư công có nhiều thay đổi: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản, nhiều doanh nghiệp phải dừng khai thác do hết hạn cấp phép cũ, chưa được cấp phép mới. Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tạm dừng xuất khẩu quặng sắt, chì kẽm, đá khối dẫn đến khai thác chế biến các SP này chững lại. Hiện nay Chính phủ đã cho phép kiểm kê hàng tồn kho, gia hạn xuất khẩu đến hết năm 2013. Tuy nhiên các DN đang lúng túng về thị trường trong nước sau khi hết hạn xuất khẩu. Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, vốn đầu tư xây dựng giảm, tình trạng đầu tư bất động sản gặp khó khăn, tiêu thụ vật liệu xây dựng như xi măng, gạch, vật liệu xây dựng thông thường chững lại.
Nhóm sản xuất chế biến lâm nông sản thực phẩm: Khó khăn chủ yếu là thiếu vốn lưu động để thu mua nguyên liệu nông lâm sản tới kỳ thu hoạch, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường không ổn định, giá bán không tăng tương ứng, hiệu quả kinh doanh giảm thấp...Nhiều cơ sở chế biến phát triển tự phát ảnh hưởng không tốt đến thu mua nguyên liệu Chè, Gỗ rừng trồng; Tinh dầu quế...
Nhóm phát điện và đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp: Các ngân hàng thắt chặt tăng trưởng tín dụng nên việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khó khăn, trong khi năng lực chủ đầu tư có hạn, chậm triển khai dự án, hoặc chậm tiến độ. Hầu hết các dự án thủy điện chậm tiến độ. Một số dự án tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hệ thống truyền tải vào lưới quốc gia chậm...Các chủ đầu tư chậm huy động được vốn, một số dự án triển khai được một phần nay đang dừng lại vì không bố trí được vốn, một số phải điều chỉnh công suất quy hoạch...Dự án thủy địên Văn Chấn và một số dự án khác của khu vực phía tây chuẩn bị phát điện đang gặp khó khăn về đường truyền tải đưa điện lên lưới.
Các dự án có quy mô khá được đầu tư chuyển tiếp từ các năm trước chậm tiến độ, nguyên nhân chính vẫn là thiếu vốn đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng cụ thể: Nhà máy chế biến gỗ MDF, Nhà máy bột giấy mới hoàn thành san tạo mặt bằng; Nhà máy chế biến Ethanol chưa đền bù giải phóng mặt bằng; Nhà máy chế biến ván ép xuất khẩu đang xây dựng song chậm do thiếu vốn...
Theo kế hoạch năm 2013, mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp là 4.100 tỷ đồng, chỉ số SXCN 11%; Tổng mức hàng hóa bán lẻ 8.400 tỷ đồng kim ngạch xuất khẩu 45 triệu USD. Trong tình hình khó khăn chung, hiện nay đã xuất hiện những cơ hội để phấn đấu thực hiện kế hoạch: Lãi suất cho vay đã giảm và sẽ tiếp tục giảm theo lộ trình, điều kiện cho vay đã thuận lợi hơn; Các chính sách hỗ trợ DN như giảm, giãn nộp thuế tiếp tục được thực hiện. Đầu tư hệ thống hạ tầng thiết yếu tiếp tục được triển khai, một số công trình lớn đang được triển khai xây dựng trên địa bàn...Để nắm bắt cơ hội phát triển, tháo gỡ khó khăn, đồng thời với việc cơ cấu lại sản xuất, cơ cấu lại các DN và cơ sở sản xuất cho phù hợp với quy hoạch, đảm bảo tiến độ đầu tư và cân đối với khả năng cung cấp vật tư nguyên liệu, Sở Công Thương đề xuất thực hiện một số giải pháp như sau:
Trong lĩnh vực khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất VLXD:
Đề nghị tỉnh thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các mỏ các được cấp phép, kiên quyết thực hiện các giải pháp: Yêu cầu chuyển nhượng, hoặc thu hồi giấy phép của chủ đầu tư không có năng lực để cấp cho các chủ đầu tư có đủ năng lực. Đối với các mỏ đã hết hạn, các chủ đầu tư đã làm đầy đủ các thủ tục và chứng minh được năng lực thì tiếp tục cấp phép khai thác.
Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ về việc tiếp tục cho phép các doanh nghiệp khai thác chế biến đá vôi trắng được phép xuất khẩu đá Block (Thay vì chỉ được xuất khẩu đến hết 2013) đi kèm với sản lượng các chủng loại sản phẩm chế biến khác từ đá trắng nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên. Có định hướng cho các doanh nghiệp khai thác và tuyển quặng sắt, chì kẽm và các khoáng sản kim loại khác trong liên kết tiêu thụ trong nước hoặc được xuất khẩu có điều kiện.
Đề nghị UBND tỉnh thực hiện các giải pháp khuyến khích các đơn vị xây dựng trên địa bàn sử dụng vật liệu xây dựng được khai thác và sản xuất trong tỉnh nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm này.
Trong ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản:
Rà soát đánh giá toàn bộ các cơ sở chế biến hiện có, tập trung vào ngành chế biến Chè, Gỗ rừng trồng, Tinh dầu quế trên cơ sở đó phân xếp loại các cơ sở sản xuất. Kiên quyết dừng sản xuất các cơ sở không đủ các điều kiện quy định.
Có biện pháp đôn đốc kiên quyết để các dự án vừa và lớn đã có chứng nhận đầu tư như: Nhà máy ván MDF, EEthanol, Bột giấy... nhanh chóng triển khai do đã quá chậm, cần thiết phải thu hồi để cấp cho nhà đầu tư khác
Với các dự án thủy điện, phát triển lưới điện
Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng để phát điện sớm nhất các công trình thủy điện Văn Chấn, Ngòi Hút II, Trạm Tấu, Khao Mang...Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tập đoàn điện lực triển khai xây dựng tuyến đường dây mạch kép 110KV Nghĩa Lộ Yên Bái để các dự án thủy điện phía tây phát điện lên lưới quốc gia khi dự án đi vào sản xuất trong năm 2013.
Đề nghị điện lực Yên Bái có phương án cụ thể trong việc cung cấp điện cho sản xuất, ổn định chất lượng điện đảm bảo sản xuất. Khẩn trương hoàn thành các dự án trung áp của dự án REII để đấu nối điện cho hạ áp.
Đề nghị UBND các Huyện thị, các ngành liên quan phối hợp làm các thủ tục về đất đai, nhanh chóng giải phóng mặt bằng để hoàn thành dự án REII, hoàn thành mục tiêu đưa điện đến 100% số xã trong tỉnh.
Về phía các cơ quan nhà nước.
Đề nghị UBND tỉnh giao các ngành tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm 2013, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn;
Các Sở ngành địa phương tập trung làm tốt thủ tục hành chính để các doanh nghiệp sớm đi vào sản xuất kinh doanh .
Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường phối hợp ngăn chăn việc khai thác chế biến khoảng sản trái phép, thu mua nguyên liệu Chè, Gỗ, Quế trái quy định...
Tỉnh tăng cường kinh phí hỗ trợ từ ngân sách theo hướng tăng thêm cho công tác khuyến công, xúc tiến thương mại liên kết tìm kiếm thị trường...
Nguồn: Phòng KHTH