Bạn đang ở đây

YÊN BÁI: CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG CÔNG NGHIỆP LĨNH VỰC CÔNG THƯƠNG

23/04/2013 16:12:50

Thành phần môi trường là yếu tố vật chất tạo thành môi trường như đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật, hệ sinh thái và các hình thái vật chất khác. Việc đảm bảo môi trường trong quá trình sản xuất công nghiệp để đáp ứng nhu cầu tồn tại của con người và sinh vật là rất cần thiết. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc trong ngành công nghiệp hiện nay để cho môi trường xung quanh đảm bảo chất lượng duy trì lâu dài.

Đối với nước ta công tác đảm bảo chất lượng môi trường đã được nhà nước quan tâm và tham gia các hoạt động về môi trường do thế giới tổ chức như: ngày môi trường, ngày tài nguyên nước, ngày tài nguyên rừng thế giới, giờ trái đất... phát động toàn dân triển khai thực hiện và coi đây là một vấn đề cấp thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước trước tiên là đảm bảo sức khỏe cho người dân. Ngoài những hoạt động theo cam kết trên thế giới Nước ta đã chủ động các hoạt động khác để góp phần vào công tác bảo vệ môi trường trên cả nước và thế giới. Vì vậy nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Luật bảo vệ môi trường ngày 29/11/2005; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28/02/2008 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP về hướng dẫn Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 Qui định Xử phạt về bảo vệ môi trường; Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 Qui định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Qui định về Quản lý chất thải nguy hại; Thông tư số 01/2012/TT-BTNMT ngày 16/3/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Qui định về lập, thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận việc thực hiện đề án bảo vệ môi trường chi tiết; Lập và đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản; Ngày 18/3/2013 Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn trong thời gian tới, tập chung vào các lĩnh vực: Hoạt động khai thác khoáng sản; khu, cụm công nghiệp; khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề, các thành phố lớn, các lưu vực sông, nhập khẩu phế liệu...

Nhà nước đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với các ngành chức năng khác liên quan trong đó có ngành Công Thương để thực hiện các nhiệm vụ đến công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối trực tiếp trong công tác quản lý nhà nước về môi trường cụ thể là Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Sở Công Thương trong thực hiện công tác này theo qui chế phối hợp riêng giữa hai Sở. Hàng năm theo chức năng nhiệm vụ của mình Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Công Thương triển khai công tác quản lý nhà nước như tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn các văn bản qui phạm pháp luật về môi trường; Tổ chức các buổi thanh tra, kiểm tra các công trình xử lý môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường của các đơn vị tên địa bàn. Trình Ủy ban nhân tỉnh quyết định các biện pháp xử lý đối với những đơn vị thực hiện không tốt công tác bảo vệ môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ chủ động hoặc phối hợp với các cơ quan ban ngành của tỉnh và chính quyền địa phương tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ. Đồng thời tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường của các tổ chức cá nhân liên quan, nhất là các tổ chức cá nhân thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường của ngành góp phần vào công tác bảo vệ môi trường chung trên địa bàn tỉnh./.

Nguồn: Phòng KTATMT