Bạn đang ở đây

Thiếu hụt nhiều quy định trong xử lý vi phạm mặt hàng mũ bảo hiểm

23/04/2013 16:09:37

Trong những ngày này, lực lượng chức năng cả nước đang cao điểm kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe gắn máy, nhằm ngăn chặn các loại mủ dởm, mũ giả tiêu thụ trên thị trường.

Người dân kỳ vọng vào sự đợt ra quân này để quyền lợi và sự an toàn của mình được bảo vệ.

Tuy nhiên, bước vào thực tiễn công tác kiểm tra, kiểm soát mới thấy nhiều bất cập. Mũ bảo hiểm, kể cả mũ có hình dạng tương tự mũ bảo hiểm thì đa dạng về chủng loại, mỗi chủng loại lại có cách thức trình bầy, ghi nhãn, gắn dấu CR và  thủ đoạn vi phạm khác nhau. Quy định của pháp luật chưa theo được thực tiễn, còn nhiều kẽ hở để những người sản xuất mũ bảo hiểm lách luật.

Theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ngày 28/4/2008 của Bộ Khoa học Công nghệ về việc ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy”, mũ bảo hiểm phải có cấu tạo cơ bản gồm 3 phần: vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Trọng lượng tối đa không quá 1,5kg. Trên nhãn, tối thiểu phải có các thông tin: tên hàng hoá “mũ bảo hiểm dùng cho người đi xe mô tô, xe gắn máy”; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất/nhập khẩu mũ bảo hiểm; cỡ mũ; tháng, năm sản xuất. Mũ bảo hiểm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy (gắn dấu CR).

Dạo quanh thị trường thành phố Yên Bái, có khoảng 18 cơ sở bán mũ bảo hiểm, trong đó có 6 cơ sở chuyên doanh nằm tại khu vực km 3 - phường Yên Ninh. Còn lại hơn chục cơ sở bán mũ bảo hiểm tại các cửa hàng xe máy, tạp hoá hay trong siêu thị. Tại đây, mặt hàng mũ kém chất lượng không còn bày bán công khai như trước. Theo giải thích của một số người kinh doanh, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc từ 15/4/2013, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị xử phạt, loại mũ này dường như không bán được. Nhiều cơ sở đã thu hồi để cất đi, đổi lại cho đầu dưới, hoặc ít nhất là để tránh được sự kiểm tra, xử phạt hành chính của các lực lượng chức năng.

Khác với địa bàn thành phố Yên Bái, tại nhiều huyện, thị khác trong tỉnh, mặt hàng mũ nhái kiểu dáng mũ bảo hiểm, mũ không nhãn mác, không gắn dấu CR vẫn còn xuất hiện. Tuy số lượng không nhiều, chỉ vài chiếc nhỏ lẻ, song điều kiện kinh tế và tác động của công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên các mặt hàng này vẫn được tiêu thụ.

Trong đợt cao điểm ra quân từ 22/3 đến 27/3/2013, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái bước đầu đã kiểm tra 29 cơ sở, phát hiện và xử lý vi phạm đối với 19 cơ sở, phạt hành chính 7.500.000 đồng, tịch thu 336 chiếc mũ bảo hiểm không đủ điều kiện lưu thông, trị giá tang vật tiêu huỷ khoảng 42.250.000 đồng.

Tuy nhiên, sự đa dạng của loại hình mũ bảo hiểm, sự thiếu hụt các quy định của pháp luật, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng gặp không ít những khó khăn:

Đầu tiên, phải kể đến là mặt hàng mũ thời trang trên nhãn ghi “mũ dùng cho người đi xe đạp, chơi thể thao”. Đây thực sự là một hình thức lách luật. Loại mũ này chỉ có 1 lớp nhựa và quai đeo, mũ nửa đầu, mẫu mã đẹp, không có lớp xốp, không đảm bảo an toàn nếu xảy ra sự cố. Mặc dù vậy, rất khó để xử lý loại mũ này như mũ bảo hiểm, do Quy chuẩn quốc gia về mũ bảo hiểm chỉ quy định về “mũ dành cho người đi mô tô, xe gắn máy” không áp dụng cho mũ “dành cho người đi xe đạp, chơi thể thao”.

Tiếp đến là loại mũ không gắn dấu CR. Theo quy định, mũ bảo hiểm phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu CR. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số mũ không có dấu CR. Khi đối chiếu quy định pháp luật để xử phạt (Nghị định 54/2009/NĐ-CP ngày 05/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hoá) lại không có chế tài để xử lý vi phạm đối với người kinh doanh, mà chỉ quy định xử phạt đối với người sản xuất, nhập khẩu. Địa bàn tỉnh Yên Bái, 100% các cơ sở là kinh doanh thương mại, không có đơn vị sản xuất, nhập khẩu mũ bảo hiểm.

Không gắn dấu CR thì không có chế tài xử lý, nhưng gắn dấu CR rồi thì vấn đề xử lý vẫn không đơn giản. Thị trường tồn tại những loại mũ có gắn dấu CR nhưng về cảm quan lại cho thấy mũ có dấu hiệu kém chất lượng. Dấu CR theo quy định hiện nay là do các nhà sản xuất, nhập khẩu tự in ấn, gắn lên sau khi đã được Trung tâm kiểm nghiệm cấp giấy chứng nhận hợp quy. Do vậy, không ít những trường hợp sử dụng dấu CR giả, có khi chỉ là các miếng đề can gắn lên mặt mũ. Để khẳng định được mũ có đảm bảo chất lượng hay không, cần phải gửi mẫu đi kiểm nghiệm. Tuy nhiên, để kiểm tra 1 lô hàng, mẫu thử tối thiểu phải có là 20 chiếc/loại mũ. Trong khi đó, số lượng phát hiện tại mỗi cơ sở chỉ có một vài chiếc/loại, không đủ lượng để đưa đi kiểm nghiệm. Đó chưa kể đến phí kiểm nghiệm và thời gian đợi kết quả trả lời mẫu, đều là những khó khăn cho người thực thi xử phạt.

Bên cạnh đó, loại mũ bảo hiểm không ghi nhãn hàng hoá xuất hiện cũng khá nhiều. Có trường hợp mũ ghi nhãn nhưng chỉ ghi cỡ mũ, tháng năm sản xuất, không ghi tên cơ sở sản xuất hoặc tên cơ sở nhập khẩu. Mặc dù không biết ai là thương nhân chịu trách nhiệm đưa hàng hoá ra thị trường nhưng vẫn có dấu CR gắn trên vỏ mũ.

Một lượng không nhỏ đó là mũ bảo hiểm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA hướng dẫn chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường, trong vòng 72 tiếng đồng hồ, cơ sở kinh doanh có quyền xuất trình hoá đơn chứng từ. Trong thời đại công nghệ, thông tin hiện nay, việc bổ sung hoá đơn để hợp thức hoá nguồn gốc chỉ cần trong 24 tiếng đã có thể hoàn tất.

Từ thực tiễn trên, cho thấy công tác quản lý chất lượng, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng mũ bảo hiểm còn lỗ hổng khá lớn. Để công tác kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm đạt hiệu quả hơn, thiết nghĩ, việc rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này là việc làm cấp thiết./.

Nguồn: Chi Cục QLTT