Mặc dù đã được cảnh báo từ rất sớm, rằng năm 2012 ảnh hưởng của tình trạng lạm phát, suy thoái kinh tế trên thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục với mức độ còn sâu hơn năm 2011, đồng thời một loạt các biện pháp ứng phó cũng đã được các cấp ngành từ trung ương tới địa phương đưa ra thực hiện nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cho người dân. Song cơn bão suy thoái dồn dập quét qua, trong khi sức đề kháng còn có hạn, đã làm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực Công Thương phải gồng mình chống đỡ và chịu những tổn thất khá nặng nề. Hàng loạt cơ sở hoạt động cầm chừng hoặc dừng sản xuất, một số doanh nghiệp có quy mô khá lâm vào tình trạng phá sản, một bộ phận người lao động không có việc làm…
Trong thời kỳ hội nhập, những biến động của nền kinh tế thế giới đã nhanh chóng ảnh hưởng tới từng ngõ ngách của cuộc sống, từ những hộ gia đình có thu nhập bình thường cho tới các “đại gia” giàu có và cả phạm vi toàn bộ nền kinh tế. Mới hôm trước các bà nội trợ bấn lên vì giá ga giá xăng dầu tăng mạnh, thì hôm sau đã ngơ ngác vì giá thực phẩm, rau xanh đội cao bất ngờ, nét mặt bần thần lo âu vì ngân sách gia đình không tăng nhanh như vậy? Các giám đốc doanh nghiệp, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng lặng người trước tốc độ tăng chóng mặt của nguyên, nhiên, vật liệu chi phí đầu vào, lãi suất vay vốn ngân hàng như con ngựa bất kham phi nước đại và đã đạt đỉnh đủ để đóng băng sản xuất. Tiêu thụ hàng sản xuất ra còn khó gấp nhiều lần do chính sách thắt lưng buộc bụng của cả nhà nước và mọi người dân, hàng tồn kho vì thế cứ tăng dần. Qua các phương tiên thông tin đại chúng lại thấy Chủ tịch HĐQT công ty này, Giám đốc doanh nghiệp nọ có hàng ngàn tỷ đồng đầu tư, nhưng thoáng chốc đã bay hơi phân nửa, tệ hơn nữa là lâm vòng lao lý. Những doanh nghiệp, doanh nhân một thời được tung hô là hiện tượng là hình mẫu, bỗng chốc phải gán nợ tài sản…
Nhưng qua khó khăn mới hiểu được nhân tình, những đơn vị, doanh nghiệp chậm đổi mới, không có chiến lược sản xuất kinh doanh, không tuân thủ quy hoạch, làm ăn chụp giật, yếu kém về năng lực tài chính và quản lý…chiếm phần lớn trong số những đơn vị bên bờ vực lâm nguy. Còn những doanh nghiệp làm ăn chân chính, năng động sáng tạo và có thực lực đã biết cơ cấu lại mình, ổn định sản xuất và biết nương vào sóng lớn để bứt phá vươn lên.
Tình trạng suy thoái kinh tế không chỉ đem lại toàn bất lợi, mặt nào đó nó đã trở thành sự sàng lọc tự nhiên, giúp chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế vốn đang phát triển quá nóng tại một số phân ngành, loại bớt những doanh nghiệp cơ sở không đảm bảo các điều kiện trong SXKD, tạo ra một sân chơi bình đẳng cho cộng đồng các doanh nhân. Những doanh nghiệp cơ sở sản xuất trụ vững trong khủng hoảng, mặc dù phải thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn, vẫn có sự tăng trưởng và góp phần hoàn thành một số mục tiêu chủ yếu của năm 2012: GTSXCN đạt 3.851 tỷ đồng tăng 14,6% so với cùng kỳ 2011; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,08%; Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 7.828 tỷ đồng vượt 18,2% kế hoạch năm; Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 46 triệu USD vượt 14,8% kế hoạch năm.
Khi những tờ lịch cuối cùng của năm 2012 được gỡ bỏ, ngành Công Thương lại bước vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch của năm 2013 với bao điều trăn trở và hy vọng đan xen. Câu chuyện bên ấm trà nóng buổi sáng ở cơ quan của công chức vẫn là những âu lo về tình hình tăng trưởng của nền kinh tế, liệu sẽ diễn ra kịch bản nào, biểu đồ theo chữ V hay là chữ U. Nếu là chữ V thì năm 2012 đã là đáy của suy thoái chưa, còn nếu là chữ U thì đến bao giờ mới hết đáy bò ngang để trở lại nhịp phát triển vốn có...? Rồi câu chuyện cũng lại trở về với những lo lắng đời thường trong cuộc sống về thu nhập chưa tăng, trong khi giá cả vẫn có xu hướng leo thang...Nhưng dù thế nào đi nữa vẫn phải khẳng định rằng, năm 2013 đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tốt lành: Lạm phát đã được kiềm chế tích cực, lãi suất vốn vay ngân hàng đã giảm mạnh, thị trường tiêu thụ hàng hóa đã phần nào sôi động trở lại, nhất là thị trường xuất khẩu, sự hỗ trợ từ nhà nước đang được tiếp tục thực hiện với mức độ sâu rộng hơn...Thực tế ngay trong những ngày đầu năm mới đã có một số nhà đầu tư đem theo những dự án lớn, quy mô vốn hàng ngàn tỷ đồng đến tìm hiểu và xin đầu tư vào tỉnh. Dù chưa thể khẳng định dự án sẽ được chấp thuận và triển khai như thế nào, nhưng có lẽ đây là những tín hiệu rõ ràng nhất của sự phát triển mới, và như vậy chúng ta lại có quyền hy vọng vào một tương lai gần tốt đẹp cho nền kinh tế của tỉnh, của đất nước.
Đã thành quy luật của thiên nhiên, chúng ta bước vào năm mới trong cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông miền Bắc, vẫn còn đó bức tranh u ám với mưa phùn gió bấc, với những hàng cây trụi lá, vẫn còn đó những lo âu trăn trở...nhưng tin chắc rằng chỉ một thời gian ngắn nữa thôi đất nước lại được đón một mùa xuân mới với những làn gió mới. Mùa xuân, mùa của niềm tin và hy vọng, trong niềm tin và khí thế mới, chắc chắn rằng sẽ đạt được nhiều thành công mới.
Nguồn: Phòng KHTH