Bạn đang ở đây

Tổng quan kinh tế Yên Bái năm 2012

17/01/2013 17:06:47

Thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng hóa tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dẫn đến sản xuất khó khăn hơn. Hiệu ứng tích cực trong điều chỉnh kinh tế vĩ mô và mô hình tăng trưởng của Nhà nước phải cần có thời gian hiện thực hóa.

Bên cạnh đó, chúng ta phải mất nhiều công sức để đối phó với thiên tai, dịch bệnh, các âm mưu, thủ đoạn gây mất ổn định chính trị, xã hội và đe dọa chủ quyền an ninh quốc gia. Những khó khăn chung của đất nước càng khó khăn hơn với một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển như tỉnh Yên Bái.

Các doanh nghiệp của tỉnh quy mô nhỏ là chủ yếu, lại khó tiếp cận các nguồn vốn, thị trường tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Dịch bệnh gia súc cùng với thời tiết diễn biến phức tạp, lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại đến tính mạng, của cải cho nhiều vùng. Nhận rõ khó khăn, thách thức, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp tích cực trong phát triển kinh tế cùng sự cố gắng của các cấp, các ngành, nhân dân và các thành phần kinh tế, tỉnh Yên Bái năm 2012 vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Trong 32 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được HĐND tỉnh Yên Bái thông qua, đã có 29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chiếm 90,62%. Tổng sản phẩm xã hội GDP năm 2012 (theo giá so sánh năm 1994) ước đạt 4.799,76 tỷ đồng, đứng thứ 6 trong 12 tỉnh vùng Tây Bắc, tăng 562 tỷ đồng so với năm 2011; trong đó lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm 31,92%, công nghiệp - xây dựng chiếm 29,44%, dịch vụ chiếm 38,64%. GDP bình quân đầu người ước đạt 16,6 triệu đồng, tăng 3,1 triệu đồng so với năm 2011.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP năm 2012 so với năm 2011 đạt 12,11%, giảm 1,39% so với kế hoạch nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh vẫn giữ vị trí thứ 3 và cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của các tỉnh vùng Tây Bắc khoảng 3%. Giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) đạt 3.851 tỷ đồng, bằng 98,7% kế hoạch và là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao thứ 3 trong vùng. Trong đó, công nghiệp Nhà nước chiếm 27,16%, đạt 90,8% kế hoạch; công nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 66,25%, bằng 96,4% kế hoạch; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 6,59%, bằng 249% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh thời tiết chưa thực thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp năm 2012 tiếp tục được mùa, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 272.817 tấn (đứng vị trí thứ 5 trong vùng), vượt kế hoạch và tăng hơn năm 2011 là 5.284 tấn, trong đó thóc tăng 3.577 tấn; sản lượng chè búp tươi đạt 91.066 tấn, đạt 100,1% kế hoạch; trồng mới rừng sản xuất đạt 15.017ha, đạt kế hoạch; tổng đàn gia súc chính với 570.763 con, tăng 3,86%, vượt kế hoạch 0,86%.

Giá trị sản xuất lĩnh vực nông nghiệp (giá cố định năm 1994) ước đạt 1.881.506 triệu đồng (vị trí thứ 6 trong vùng Tây Bắc), tăng 94.293 triệu đồng so với năm 2011. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 7.828 tỷ đồng, tăng 828 tỷ đồng so với kế hoạch, đứng thứ 6 so với các tỉnh trong vùng  (năm 2011 đứng vị trí thứ 5).

Mặc dù thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với cố gắng của các doanh nghiệp, ước kim ngạch xuất khẩu trực tiếp đạt 44,29 triệu USD, vượt kế hoạch 10,8%, đứng thứ 4 trong vùng về kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2012, Yên Bái phải tiếp tục cắt giảm đầu tư công chưa cần thiết và dành vốn cho thanh toán công trình đã hoàn thành song tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn vẫn đạt 7.607,8 tỷ đồng, tăng 1,4% kế hoạch, đứng thứ 6/12 tỉnh trong khu vực (năm 2011 đứng vị trí thứ 3).

Trong đó, vốn đầu tư phát triển khu vực Nhà nước chiếm 38,70%, đạt xấp xỉ kế hoạch; vốn khu vực ngoài Nhà nước chiếm 54,34%, tăng 3,82% kế hoạch; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 1,96%, tăng 22,14%. Thực hiện Nghị định số 13/NĐ-CP của Chính phủ về việc giãn, hoãn thuế cho doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng nên thu cân đối ngân sách đạt 1.009 tỷ đồng, bằng kế hoạch đề ra và tăng 159 tỷ đồng so với năm 2011.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, chỉ số năng lực cạnh tranh PCI cấp tỉnh của Yên Bái đứng thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước và thuộc nhóm tốt. Đối với khu vực miền núi phía Bắc, Yên Bái chỉ xếp sau Lào Cai (tỉnh có chỉ số PCI đứng đầu cả nước), thể hiện chất lượng điều hành kinh tế tốt của tỉnh và là điều kiện hấp dẫn để các nhà đầu tư đến Yên Bái. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong năm 2012, tỉnh vẫn cấp phép đăng ký kinh doanh cho 105 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 918 tỷ đồng. Năm 2012 đã tạo việc làm mới cho 17.700 lao động, đạt kế hoạch; kinh tế có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,37%, vượt chỉ tiêu 0,37%.

Tuy nhiên, nền kinh tế của tỉnh phát triển chưa vững chắc, sức cạnh tranh yếu; các doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, chiến lược sản phẩm; hầu hết doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ, một số thuộc loại siêu nhỏ. Theo VCCI, trong 104 doanh nghiệp tham gia điều tra, 21% số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng, 52% số doanh nghiệp có quy mô vốn từ 1 - 5 tỷ đồng, chỉ có 27% số doanh nghiệp có quy mô vốn trên 5 tỷ đồng.

Về quy mô lao động: 43% số doanh nghiệp có dưới 10 lao động, 38% số doanh nghiệp có từ 10 - 50 lao động, gần 15% số doanh nghiệp có từ 50 - 200 lao động, chỉ có 4% số doanh nghiệp có trên 200 lao động. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, lao động có trình độ sơ cấp nghề, dạy nghề ngắn hạn chiếm tới 85,34%; trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề chỉ chiếm 14,66%, trong đó cao đẳng nghề chiếm 3,18%.

Công nghệ sản xuất của doanh nghiệp hầu hết lạc hậu lại chậm được đổi mới, cộng với trình độ chuyên môn hạn chế, năng suất lao động thấp nên sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm càng hụt hơi.

Nhiều doanh nghiệp phát triển "nóng", nhất là doanh nghiệp chế biến gỗ, chè, khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, không đủ điều kiện vay vốn, lãi mẹ đẻ lãi con, dẫn đến phá sản hoặc ngừng sản xuất. Tính đến ngày 30/6/2012, toàn tỉnh đã có 126 doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất, trong đó 40 doanh nghiệp giải thể, 18 doanh nghiệp ngừng sản xuất không thời hạn, 68 doanh nghiệp ngừng hoạt động có thời hạn, bằng 0,06% số doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất của cả nước (126/190.700 doanh nghiệp).

Chỉ tiêu tổng đàn gia súc chính tuy tăng nhưng đàn trâu, đàn bò - một trong những thế mạnh của tỉnh tiếp tục giảm (đàn trâu giảm 4,73%, đàn bò giảm 7,07%. Nghị quyết về phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ chè qua gần 10 năm, tỉnh đã tiến hành tổng kết nhưng đến nay vẫn lúng túng trong phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ chè (sản phẩm chè chế biến giảm 30% so với cùng kỳ). Nếu không có sự chỉ đạo tập trung, tìm hướng đi cho cây chè, một cây truyền thống, xóa đói giảm nghèo thì ngành chè tiếp tục tụt hậu so với các tỉnh bạn.

Nhiều tuyến đường nội tỉnh, đường nội thị xuống cấp, chậm được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp... ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đi lại của nhân dân. Mặc dù chỉ số cạnh tranh PCI của tỉnh ở nhóm tốt song nội hàm của năng lực cạnh tranh vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Một số chỉ số có trọng số cao trong PCI theo thang điểm 10 vẫn ở mức thấp hoặc trung bình như tính minh bạch và tiếp cận thông tin đạt 5,83 điểm, đào tạo lao động 5,11 điểm, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chỉ đạt 3,01 điểm.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh vẫn ở nhóm trung bình thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc, đòi hỏi phải cố gắng rất cao mới trở thành tỉnh phát triển trong khu vực như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái năm 2012 là rất quan trọng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo YBĐT