Không chịu lùi bước, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty đã tìm hướng đi phù hợp và sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cho biết: "Năm 2011, thị trường tiêu thụ chè ổn định nhưng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn lại gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào, đặc biệt khó khăn về nguồn vốn vay. Năm 2012, thị trường tiêu thụ rất khó khăn, các sản phẩm chè phẩm cấp cao lại không có thị trường, giá bán không tăng nhưng mọi chi phí đầu vào tăng mạnh".
Trong năm, Công ty sản xuất và thu mua 3.500 tấn chè nguyên liệu, chế biến 1.400 tấn chè đen và chè xanh, mặc dù đã có nhiều cố gắng tìm kiếm thị trường nhưng đến giờ vẫn còn tồn 400 tấn chè đen, 30 tấn chè xanh. Không chỉ vậy, giá bán cũng giảm đáng kể, chè xanh giảm 10.000 đồng/kg, chè đen cũng giảm từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng nên việc sản xuất, kinh doanh hết sức khó khăn.
Trong bối cảnh ấy, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn vẫn đạt doanh thu trên 29 tỷ đồng, nộp ngân sách 2,2 tỷ đồng, điều quan trọng nhất đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 cán bộ, công nhân với bình quân 3 triệu đồng/người/tháng là một sự nỗ lực đáng ghi nhận. Đạt được những kết quả đó, ngoài việc cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu với các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp đã xây dựng một chiến lược sản phẩm và chiến lược vùng nguyên liệu bền vững cùng với tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, quản lý.
Song song với tích cực đầu tư vùng nguyên liệu, Công ty tăng cường mối liên kết với người dân vùng nguyên liệu. Đã từ nhiều năm nay, năm nào Công ty cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng tiền vốn mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hộ dân nào thiếu vốn, có nhu cầu về phân bón đầu tư cho sản xuất là doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng.
Bên cạnh đó, Công ty phối hợp với chính quyền địa phương và ký kết hợp đồng thu mua hết nguyên liệu cho dân. Dẫu cho thị trường có biến động, khi giá nguyên liệu tăng cao thì Công ty sẽ mua theo giá thị trường. Năm 2012, bình quân giá thu mua trên 3.500 đồng/kg, chè Shan tuyết vùng cao có thể mua từ 5.000 - 6.000 đồng, thậm chí chè tốt mua tới 9.000 đồng/kg. Dù phải cạnh tranh gay gắt về nguyên liệu nhưng Công ty kiên quyết không thu mua chè búp thu hái không đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, nhà máy chế biến chè Liên Sơn được đầu tư khá bài bản. Toàn bộ dây chuyền từ làm héo, vò, sấy... đến phân loại sản phẩm gần như tự động hoàn toàn; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thực hiện theo tiêu chuẩn ISO. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp đã và đang xây dựng dự án phát triển chè sạch, chè an toàn theo tiêu chuẩn GAP, HACCP khép kín. Do điều kiện kinh phí hạn hẹp, trước mắt, Công ty quy hoạch vùng nguyên liệu 50ha với tổng vốn đầu tư 16 tỷ đồng để xây dựng vùng chè kiểu mẫu về an toàn đạt tiêu chuẩn GAP.
Trên vùng chè này, có hệ thống giao thông gồm đường trục chính, đường lên đồi, công trình thủy lợi đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở chế biến. Hiện Công ty đã tổ chức hoạt động, đào tạo, hướng dẫn cho trên 1.000 lượt nông dân, công nhân các kiến thức về GAP, HACCP và các quy tắc sản xuất an toàn khác về chè.
Đầu tư trong bối cảnh hiện tại là rất khó khăn nhưng không có con đường nào khác bởi thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe, nhất là các sản phẩm chè sạch, chè an toàn. Muốn phát triển, sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững, doanh nghiệp phải có chiến lược sản xuất phù hợp với thị trường.
Ngoài việc hướng đến sản xuất chè sạch, chè an toàn, năm 2013, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn phấn đấu sản xuất, thu mua 4.000 tấn chè búp, chế biến 1.400 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt 35 tỷ đồng. Với cách nghĩ, cách làm và hướng đi mới, chắc chắn Công ty cổ phần Chè Liên Sơn sẽ sản xuất, kinh doanh hiệu quả cũng như đời sống của cán bộ, công nhân viên và nhân dân trong vùng sẽ ổn định hơn.
Theo YBĐT