Năm 1987 Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội thông qua và đi vào triển khai thực hiện, là mốc son đậm nét đánh dấu bước ngoặt trên con đường đổi mới hội nhập quốc tế của Việt Nam. Nền kinh tế lạc hậu, chậm phát triển một thời gian dài của nước ta bước sang trang mới, là cơ hội tiếp cận và thực hiện mục tiêu vận động thu hút, sử dụng nguồn lực về vốn, công nghệ, khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý... từ các nền kinh tế lớn trên thế gới tham gia vào quá trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên phạm cả nước.
Để vượt qua khó khăn, thách thức vốn có của một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa, không có cửa khẩu, xa các sân bay, hải cảng, các vùng kinh tế trọng điểm, kết cấu hạ tầng giao thông thấp kém, chất lượng lao động còn hạn chế... tỉnh Yên Bái đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về vận động, thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài trên địa bàn theo đúng các quy định hiện hành và đúng thẩm quyền được phân cấp. Trong đó có việc xây dựng và ban hành các chính sách về khuyến khích đầu tư,các quy định về quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn và nhất là đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn tổ chức thành công các Hội nghị, Hội thảo về xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của tỉnh và của khu vực.
Tỉnh Yên Bái cũng đã xây dựng và ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư; xây dựng và viết các dự án, phát hành các tài liệu, ấn phẩm như sách, catalogue, tờ rơi, băng, đĩa, tạp chí, trang thông tin điện tử Kinh tế Việt Nam... nhằm quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Yên Bái với bạn bè quốc tế và với các nhà đầu tư.
Sau 25 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài đến nay tỉnh Yên Bái đã cấp Giấy phép và Giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký là 116,29 triệu USD tương đương với 2.565,9 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản..., trong đó: giai đoạn 1996 - 2000 là 03 dự án, giai đoạn 2001- 2005 là 05 dự án và từ năm 2005 đến nay là 19 dự án. Tỉnh Yên Bái cũng đã thực hiện thu hồi giấy phép đầu tư một số dự án chậm triển khai hoặc vi phạm các quy định về đầu tư.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang thực hiện đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, với tổng mức đầu tư đăng ký 109,6 triệu USD, tương đương 2.299,08 tỷ VND. Tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 638,6 tỷ đồng, bằng 28% so với tổng mức vốn đầu tư đăng ký; đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 176 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho trên 800 lao động tại địa phương; Kim ngạch xuất khẩu đạt 65,9 triệu USD... Trong 19 dự án có vốn đầu tư nước ngoài thì có 08 dự án 100% vốn nước ngoài, 10 dự án liên doanh và 01 dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh. Với 09 dự án khai thác và chế biến khoáng sản, 05 dự án nông lâm nghiệp 02 dự án hoạt động trong lĩnh vực khách sạn... tập trung chủ yếu vào các nhà đầu tư: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp.
Thực tế những năm qua cho thấy, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển lực lượng sản xuất; xã hội hoá và đa dạng hoá các hoạt động đầu tư; đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế theo xu thế toàn cầu hoá; tiếp cận và đưa ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý tiên tiến vào phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống. Nền kinh tế từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá; mặt hàng cũng như thị trường xuất khẩu được mở rộng; kim ngạch xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng hàng năm...
Tuy nhiên đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái những năm qua còn ở dưới mức tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đầu tư nước ngoài tại tỉnh tuy đã có sự đóng góp cho đầu tư phát triển và thu nộp ngân sách nhà nước, song không đáng kể và chiếm tỷ lệ thấp. Dự án đầu tư ít về số lượng, thấp về tổng mức đầu tư đăng ký và thấp cả về tổng mức đầu tư thực hiện, đến nay mới chỉ có 03 dự án hoàn thành các hoạt động đầu tư như đã đăng ký. Hiện chỉ có 04 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được tạm đánh giá là hoạt động có hiệu quả, còn lại là hoạt động cầm chừng và đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư. Nói chung các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn hầu hết có quy mô đầu tư nhỏ, vốn đầu tư ít và sử dụng công nghệ ở mức trung bình, hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh đạt ở mức thấp, chưa có dự án đầu tư nước ngoài nào thực hiện đầu tư sử dụng nhiều lao động.
Để tiếp tục động viên tối đa nguồn lực từ phía các nhà đầu tư nước ngoài lồng ghép với các nguồn lực trong nước tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ có định hướng thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào các dự án có mức đầu tư lớn, công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại; Bên cạnh đó, Yên Bái cần có các biện pháp tích cực về bảo vệ môi trường sinh thái; sử dụng nhiều lao động địa phương; các dự án về xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng hạ tầng, về phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, thể dục thể thao, du lịch và văn hoá dân tộc... hướng vào các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển trên toàn thế giới. Nhằm phát triển vùng lúa hàng hóa chất lượng cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung trên cơ sở gắn các khu vực chế biến sau thu hoạch theo hướng công nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và tiến tới hướng mạnh vào xuất khẩu.
Tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; chế biến lâm, nông sản (chế biến chè, chế biến gỗ ván ép, ván ghép thanh, ván sàn, đồ gỗ dân dụng...); sản xuất vật liệu xây dựng (ngói, gạch không nung, gạch tuynel, gạch garanit, gạch men ốp lát, sứ dân dụng, sứ vệ sinh...); sản xuất giầy da, may xuất khẩu; lắp ráp ô tô - xe máy, lắp ráp linh kiện điện tử; chế tạo các chi tiết tiêu chuẩn, khuôn mẫu chính xác...thay thế hàng nhập khẩu, phục vụ công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và các máy móc, thiết bị chuyên dùng khác...; phát triển hệ thống đường dây tải điện cung cấp điện lưới quốc gia đến vùng đồng bào dân tộc vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Phát triển khu kinh tế tổng hợp tại khu vực hữu ngạn sông Hồng thuộc các xã Giới Phiên, Hợp Minh, Âu Lâu của thành phố Yên Bái và Minh Quân, Y Can của huyện Trấn Yên theo hướng công nghệ sạch... kết hợp giữa sản xuất với mở rộng các hoạt động dịch vụ, như khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, khai thác, đón đầu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thông tuyến hoàn thành đi vào hoạt động... Xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn trên địa bàn thành phố Yên Bái và ở các huyện, thị xã nơi tập trung đông dân cư và là đầu mối giao lưu văn hóa, kinh tế - xã hội của vùng, của khu vực, như thị xã Nghĩa Lộ, thị trấn Mậu A huyện Văn Yên, thị trấn Cổ Phúc huyện Trấn Yên, thị trấn Yên Thế huyện Lục Yên, thị trấn Yên Bình huyện Yên Bình...
Phát triển và phục hồi các khu du lịch đã hình thành từ trước và đầu tư phát triển các khu du lịch mới ở những nơi có tiềm năng và thế mạnh về du lịch làm phong phú các loại hình du lịch trên địa bàn toàn tỉnh. Chú ý các loại hình du lịch có thể phát triển mạnh trên địa bàn tiến tới kết nối du lịch cả nước và quốc tế.
Vận động và thu hút đầu tư xây dựng bệnh viện với quy mô 300 giường tại thị xã Nghĩa Lộ để phục vụ khám chữa bệnh cho người dân các dân tộc vùng lân cận. Vận động và thu hút đầu tư xây dựng Trường đại học tại thành phố Yên Bái với quy mô 1000 sinh viên trở lên. Vận động và thu hút đầu tư xây dựng nhà máy xử lý và chế biến rác thải tại huyện Văn Chấn, để giải quyết vấn đề rác thải của các huyện phía tây của tỉnh. Vận động và thu hút đầu tư xây dựng nhà thiêu xác tại khu vực thị xã Nghĩa Lộ để phục vụ nhu cầu thiêu xác theo phong tục của đồng bào dân tộc thái....
Nhằm thực hiện định hướng trên, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục hoàn thiện Quy hoạch chi tiết các khu cụm, công nghiệp, các địa phương có nhiều lao động, các vùng nguyên liệu phụ trợ, hệ thống thống đường giao thông kết nối khu, cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu, nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp, như cấp điện, nước, đường giao thông… cần có sự ổn định về cung cấp năng lượng và thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thực hiện hoạt động đầu tư đúng tiến độ đề ra. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho các dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, đặc biệt là khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo. Tăng cường đổi mới và nâng cao chất lượng trong chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo, nghề. Phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp lao động nhằm hạn chế các cuộc đình công của người lao động có thể xảy ra.
Công tác xúc tiến đầu tư cần được đổi mới, nâng cao chất lượng và cần được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho công tác quản lý nhà nước, tạo cơ chế phối hợp và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư một cách đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương cần được tăng cường, gắn liền với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng cơ quan. Xây dựng chế độ báo cáo để tổng hợp thông tin và đánh giá kịp thời tình hình thực hiện dự án, nhằm đề xuất các giải pháp điều hành của địa phương và của Chính phủ kịp thời và có hiệu quả.
Bên cạnh đó sẽ ban hành các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp; xây dựng công trình phúc lợi (nhà ở, bệnh viện, trường học, văn hoá, thể thao) cho người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, dự án tác động xấu đến môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án; cân nhắc về tỷ suất đầu tư/diện tích đất, trong đó có đất trong Khu Công nghiệp. Tiến hành kiểm tra, rà soát các dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn để có hướng xử lý đối với từng loại dự án. Tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các hoạt động hội thảo, triển lãm mang tầm khu vực, nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của địa phương đến đông đảo bạn bè quốc tế và các nhà đầu tư khu vực và thế giới. Giải quyết dứt điểm về đền bù, giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư. Đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư và dành các điều kiện thuận lợi nhất khi nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đầu tư. Làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ Nhà đầu tư sau cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên bức tranh về vận động, thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội cải thiện và có điều kiện để thực hiện. Góp phần cho tỉnh Yên Bái thực hiện toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII./.
Theo Cổng GTĐT