Gửi chất vấn đến Bộ Tài chính, cử tri một số tỉnh, thành phố cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời trong điều hành nền kinh tế đất nước ổn định và phát triển, đảm bảo chính sách an sinh xã hội, nhưng tình hình giá cả gần đây có chiều hướng biến động, tăng cao, nhất là giá xăng, dầu, giá một số mặt hàng thiết yếu, giá vật tư nông nghiệp... đã làm cho đông đảo các tầng lớp nhân dân gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống và sản xuất, nhất là người có thu nhập thấp và nông dân.
Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh hợp lý, nhằm bình ổn giá cả của một số mặt hàng thiết yếu, giảm lãi suất, định hướng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý, kiểm soát giá cả cả trên thị trường; đồng thời xử lý nghiêm tình trạng tự ý nâng giá; theo dõi diễn biến thị trường thế giới có ảnh hưởng đến thị trường, giá cả hàng hoá trong nước, kịp thời đề ra giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm ngăn ngừa thiểu phát.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, giá cả của đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ lưu thông trên thị trường (trong đó có cả các mặt hàng vật tư nông nghiệp và nhiều mặt hàng thiết yếu khác) đều được hình thành theo cơ chế thị trường.
Nhà nước tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường thông qua các biện pháp kinh tế vĩ mô như các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung-cầu; chính sách tài khoá, tiền tệ....; đồng thời, Nhà nước cũng thực hiện quản lý và bình ổn giá thị trường theo quy định của pháp luật thông qua việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; áp dụng các biện pháp đăng ký giá, kê khai giá đối với một số mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá (trong đó có mặt hàng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); niêm yết giá hoặc điều tiết thông qua các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương đối với một số mặt hàng thiết yếu.
Riêng đối với mặt hàng xăng, dầu, Nhà nước thực hiện quản lý giá theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được tăng hoặc giảm giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định theo quy định tại Nghị định; đồng thời, Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việc: quy định công thức tính giá cơ sở, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký giá với cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua việc điều hành thuế, Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Trong 8 tháng đầu năm 2012, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước cơ bản bình ổn hoặc giảm; một số mặt hàng (trong đó có xăng dầu, phân bón) có biến động tăng, giảm chủ yếu do tác động của giá thế giới vì nguồn cung trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Giá xăng dầu, khi giá thế giới tăng (trong những tháng đầu năm và từ cuối tháng 7 đến nay) thì giá xăng dầu trong nước được giữ ổn định hoặc điều chỉnh tăng ở mức độ nhất định nhờ việc giảm thuế nhập khẩu và cho sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; khi giá thế giới giảm, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm đồng thời với việc khôi phục ở mức hợp lý thuế nhập khẩu xăng dầu và ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá. Đối với giá phân bón, ngoài việc phụ thuộc vào nhu cầu theo mùa vụ thì khi giá thế giới tăng hoặc giảm cũng khiến cho giá phân bón trong nước tăng/giảm theo...
Để bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát nói chung, ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó đề ra nhiều nhóm giải pháp về miễn thuế môn bài; giảm tiền thuê đất; miễn, giảm, gia hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN cho một số đối tượng; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả; giảm mặt bằng lãi suất...
Nhờ vậy, diễn biến cung cầu và mặt bằng giá cả thị trường 9 tháng đầu năm 2012 cơ bản bình ổn, chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 5,13%. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; đời sống xã hội xã hội được đảm bảo; sản xuất kinh doanh có tín hiệu tốt lên; mặt bằng lãi suất giảm…
Bám sát chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, trong lĩnh vực tài chính, bên cạnh việc điều hành thu, chi ngân sách theo hướng chặt chẽ, hiệu quả, tính đến hết tháng 8-2012 Bộ Tài chính đã thực hiện gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng tiền thuế Giá trị gia tăng các tháng 4, 5 và 6-2012 cho trên 190.280 doanh nghiệp; đã giải quyết gia hạn 2.868 tỷ đồng nợ thuế Thu nhập doanh nghiệp cho khoảng 70.300 doanh nghiệp, trong đó số nợ thuế từ năm 2010 trở về trước chiếm gần 50%; đã giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho trên 2.400 doanh nghiệp, với số tiền giảm là 250 tỷ đồng; giải quyết miễn thuế và hoàn thuế (đối với các hộ đã thực hiện nộp thuế) môn bài khoảng 10 tỷ đồng cho 33.510 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh...
Ngoài ra, đã xuất cấp 37.376 tấn gạo dự trữ quốc gia trị giá khoảng 374 tỷ đồng để thực hiện cứu trợ, cứu đói giáp hạt, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo. Đồng thời tăng cường thực hiện việc kiểm soát chi từ ngân sách Nhà nước trong đầu tư, trong chi tiêu thường xuyên, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chi sai chế độ chính sách.
Trong lĩnh vực quản lý, điều hành giá, Chính phủ cũng đã tập trung chỉ đạo điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá phù hợp với cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước (giá điện, xăng dầu, nước sạch, dịch vụ khám chữa bệnh), đáp ứng mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời với việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại các địa phương; thực hiện thanh tra tài chính, thanh tra giá tại các doanh nghiệp sản xuất điện ngoài EVN và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối... Công tác này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên trong gian tới.
Theo Vinanet