Đáng chú ý nhất trong tháng chính nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế sau khi tăng mạnh ở tháng trước đến tháng này đã giảm (tăng 5,94% so với tháng 9) và nhóm giáo dục chỉ tăng thêm 1,88%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,1%.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng liên tục giảm, CPI tháng này ghi nhận sự tăng giá trở lại của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ số giá ở nhóm này đã nhích lên 0,29% so tháng trước.
Riêng lương thực tăng 0,37%, thực phẩm tăng 0,28% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,27%. Cũng như diễn biến CPI của Hà Nội và TP.HCM, chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng khá mạnh trên 1% là do sự điều chỉnh giá bán gas từ ngày 1/10 vừa qua.
Duy nhất nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%, còn lại một số nhóm hàng khác có chỉ số chỉ tăng dưới 1% như: giao thông (0,61%), đồ uống-thuốc lá (0,17%), hàng hóa dịch vụ (0,71%)…
Tuy không nằm trong rổ tính giá nhưng với những diễn biến sôi động trong thời gian qua, giá vàng tháng 10 đã tăng 4,64% so tháng 9, chỉ số giá USD cũng tăng 0,06%.
Ở các thành phố lớn, CPI Hà Nội tăng 0,37%, TPHCM tăng 0,4%, Hải Phòng tăng 0,37% và Thừa Thiên Huế tăng 0,44%. Tăng cao nhất phải kể đến Thái Nguyên, lạm phát tháng 10 tới 4,78%.
Như vậy so với mức tăng cao nhất trong năm lên tới 2,2% của tháng 9, tháng 10 chỉ số giá tiêu dùng của cả nước trở lại xu hướng tăng nhẹ, nên lạm phát sau 10 tháng tăng 6,02% (so với tháng 12/2012). Tính từ đầu năm đến nay, CPI cả nước đã tăng 6,2% và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại phiên Khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII ngày 22/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong những tháng cuối năm sẽ thực hiện các biện pháp để giữ mức lạm phát cả năm vào khoảng 8%.
Theo Hà Nội mới