Bạn đang ở đây

Sẽ có kịch bản điều hành giá xăng, điện, than

12/10/2012 17:09:18

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III chiều 11/10, Bộ Tài chính cho biết, đang nghiên cứu, xây dựng các kịch bản điều hành giá một số mặt hàng quan trọng như điện, than, xăng dầu, dịch vụ công… trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, để làm căn cứ điều hành giá những tháng còn lại năm 2012 và 2013.

Trả lời câu hỏi “vì sao trong tháng 9, có thời điểm giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước không giảm”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý giá giải thích: trong tháng 9, dù giá thế giới có thời điểm giảm nhưng giá cơ sở bình quân trong 30 ngày vẫn cao hơn giá hiện hành.

Ngày 11/9, liên bộ Tài chính- Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán lẻ các mặt hàng, giảm 2% thuế nhập khẩu các mặt hàng và tạm chưa tính lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở, nên chưa thể giảm giá xăng dầu.

Theo bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cơ quan này đang nghiên cứu, xây dựng các kịch bản điều hành giá một số mặt hàng quan trọng như xăng dầu, điện, than, dịch vụ công...?để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, để chủ động thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2012 và cả năm 2013.

“Bộ đang xây dựng nên chưa thể công bố. Ví dụ, kịch bản điều hành xăng dầu sẽ tuân theo theo Nghị định 84, sử dụng tổng hợp các công cụ thuế phí, quỹ bình ổn. Tùy diễn biến thực tế, để lựa chọn công cụ can thiệp thị trường phù hợp”, bà Mai nói.

Về kế hoạch sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP, về kinh doanh xăng dầu, theo ông Tuấn, hai Bộ Tài chính - Công thương đã phối hợp để đánh giá, rà soát tổng thể nghị định, xây dựng dự thảo sửa đổi. Nhưng đến giờ, vẫn chưa thống nhất được quan điểm về các nội dung sửa đổi.

Theo Bộ Tài chính, tình hình thu ngân sách nhà nước trong 9 tháng năm 2012 đạt rất thấp. Tổng thu ngân sách chỉ đạt 498.490 tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán.

Trong đó, thu nội địa đạt 63,8%, thu dầu thô đạt 99,6%, thu từ hoạt động XNK chỉ đạt 58,9%, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước đạt 643.210 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.

Về kết quả thu ngân sách, ông Trần Văn Phu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục thuế đánh giá là khá thấp so với các năm trước. Tình hình nợ đọng thuế tăng. Tính đến 30-9, số nợ thuế chiếm 6,8% tổng thu nội địa. Trong đó, nợ thuế của DN nhà nước trung ương và địa phương chiếm 13%.

Theo TPO