Bạn đang ở đây

Văn Chấn gắn trồng mới, cải tạo với chế biến chè

23/07/2012 12:01:50

Chúng tôi về thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ - lá cờ đầu trong trồng cải tạo chè của huyện Văn Chấn - nơi có trên 1.611 hộ dân thì có 500 hộ sống bằng cây chè. Theo những người làm chè lâu năm thì cây chè có mặt trên đất này từ những năm 1959 nhưng chủ yếu là giống chè trung du.

Xác định được lợi thế của cây chè trong phát triển kinh tế địa phương, thị trấn đã định hướng và chủ trương đưa cây chè trở thành cây trồng mang giá trị kinh tế cao bằng việc thay thế giống chè cũ bằng chè giống mới. Từ năm 2004, thị trấn thực hiện chủ trương cải tạo chè giống mới như: LDP1, LDP2.

Qua 5 năm cải tạo và thay thế, đến nay cây chè giống mới đã cho thu hái. Việc thay thế chè giống mới đã giúp thị trấn có thêm những nương chè cho năng suất trên 15 tấn/ha.

Gia đình bác Lương Thị Tuyền, tổ 5B thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, nhà có 3.000m2 chè vui mừng cho biết: “So với chè trung du già cỗi thì chè lai cho giá trị cao hơn, trước đây mỗi lứa chè chỉ thu hái được 1,7 tạ giờ 1 lứa 6 - 7 tạ, gia đình tôi thu về hàng chục triệu đồng”.

Ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Hiện nay, thị trấn có trên 315 ha chè kinh doanh, sản lượng 2.800 tấn đem lại nguồn thu không nhỏ cho bà con nông dân. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục cải tạo 50ha chè”.

Có thể nói, tốc độ trồng và cải tạo chè ở Văn Chấn diễn ra mạnh mẽ. Những nương chè giống mới đã dần khẳng định hiệu quả. Trong 5 năm, toàn huyện đã trồng mới và trồng cải tạo được 1.175 ha bằng các giống chè năng suất, chất lượng cao như: LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Shan tuyết...

Tuy nhiên, ở Văn Chấn đang có quá nhiều các cơ sở chế biến chè. Tính hết năm 2011, trên địa bàn huyện có 60 nhà máy, cơ sở chế biến chè, đó là chưa kể đến các cơ sở chế biến bằng bom quay tay. Sự ra đời của những cơ sở chế biến này góp phần giúp người dân tiêu thụ chè nguyên liệu.

Song, điều đáng nói ở đây là tổng công suất chế biến của các nhà máy đạt trên 740 tấn chè búp tươi/ngày, cao gấp 3,5 lần khả năng đáp ứng vùng nguyên liệu. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh về nguyên liệu của các cơ sở chế biến.

Nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến đã mua tất các loại chè, bất chấp phẩm cấp, dẫn đến chất lượng thu hái thấp, đặc biệt là tình trạng thu hái bằng máy, không tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn nên chất lượng chè kém, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường và hệ quả tất yếu là thu nhập của ngành chè thấp.

Mục tiêu của huyện Văn Chấn đến năm 2015 là đưa tổng diện tích chè của toàn huyện lên 4.500ha, sản lượng đạt 45.000 tấn; tổng sản lượng chè khô đạt 12.000 tấn; trong đó, chè loại tốt đạt 70%, có trên 50% cơ sở tham gia sản xuất chè xanh, chè chất lượng.

Để đạt mục tiêu này, thời gian tới huyện tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu, trong đó, trồng mới, trồng cải trên 1.000ha; tiếp tục điều chỉnh quy hoạch, thực hiện tốt quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGap; tăng cường tuyên truyền hướng dẫn  và tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao ý thức cho các hộ dân về chăm sóc, thu hái chè đảm bảo chất lượng cho công nghệ chế biến.

Đồng thời triển khai xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa qui trình canh tác nhằm tạo ra vùng nguyên liệu an toàn, năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững; sắp xếp và tổ chức lại sản xuất chế biến chè theo quy hoạch vùng nguyên liệu, lấy đổi mới thiết bị làm khâu đột phá, áp dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị; chấn chỉnh tình trạng phát triển các cơ sở chế biến chè không đảm bảo yêu cầu về công nghệ và vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về kiểm tra, giám sát các cơ sở trong việc thực hiện các tiêu chuẩn trong chế biến chè.

Bên cạnh đó, kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất kém chất lượng; đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong sản xuất chế biến kinh doanh chè, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với vùng nguyên liệu; hướng các doanh nghiệp đầu tư một phần lợi nhuận để tái đầu tư vào vùng nguyên liệu, hỗ trợ người dân vay ứng trước bằng giống, phân bón; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng mô hình chè có năng suất chất lượng cao để áp dụng vào sản xuất.

Những giải pháp và hướng đi đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng chè và thu nhập cho người chè.

Theo YBĐT