Định hướng dẫn dắt giá hàng hóa, giảm áp lực tăng giá
Trong nhiều năm qua, để hạn chế sự tăng giá đột biến trong những dịp lễ, tết, nhiều địa phương đã triển khai khá tốt Chương trình bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu. Chương trình đã đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đáng chú ý, chương trình được đánh giá là có tác động lan tỏa và đóng vai trò định hướng dẫn dắt giá hàng hóa, giảm áp lực tăng giá trên địa bàn đô thị lớn trong thời kỳ lạm phát cao. Ra đời cách đây 10 năm, từ chỗ rải rác ở một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thực hiện, tới năm 2011, đã có 36 địa phương triển khai Chương trình với khoảng 244 doanh nghiệp tham gia.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù khối lượng không nhiều, nhưng với giá bán thấp hơn từ 5-10% so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường, Chương trình đã góp phần tạo định hướng hạn chế mức tăng giá chung, hạn chế tâm lý đầu cơ, găm hàng, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nơi chiếm quyền số lớn trong cơ cấu tính CPI của cả nước, qua đó góp phần kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, hình thức triển khai Chương trình bình ổn giá ngày càng đa dạng, phương thức thực hiện ngày càng được cải tiến nhằm đem lại hiệu quả tốt hơn. Từ chỗ chủ yếu hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, tới nay, Chương trình này đã hướng tới tập trung bình ổn giá từ gốc sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất, vận chuyển... Qua đó, đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới nhà phân phối, người tiêu dùng; tạo lập được liên kết giữa các doanh nghiệp trong chương trình với nhau, giữa các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Tại một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã và đang xây dựng, triển khai mô hình liên kết tiêu thụ nông sản....
Từ chỗ bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, Chương trình đã tổ chức ngày càng nhiều các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, các huyện ngoại thành, vùng núi... tiến tới thiết lập nhiều điểm bán cố định tại các khu công nghiệp, các chợ truyền thống, khu vực nông thôn. Điều này đã góp phần không nhỏ giúp những đối tượng có thu nhập thấp có thể tiếp cận được với những mặt hàng bình ổn giá.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Chương trình bình ổn thị trường, các địa phương kết hợp thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình xúc tiến thương mại nội địa, nên đối tượng mặt hàng bình ổn ưu tiên, tập trung vào các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất trong nước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Chương trình bình ổn đã không ngừng được nhân rộng ra ở các địa phương. Đến nay, cả nước có 36 tỉnh, thành; 200 doanh nghiệp tham gia với hơn 64.000 điểm bán hàng bình ổn, với số vốn vay khoảng 1.650 tỷ đồng. Các điểm bán hàng bình ổn không ngừng tăng lên theo hướng chuyển các địa điểm bán hàng lẻ về khu vực nông thôn, tạo định hướng rất tốt cho thị trường, góp phần hạn chế mức tăng giá chung.
Đáng chú ý, từ chỗ 100% các doanh nghiệp tham gia Chương trình nhận vốn vay trong những năm đầu triển khai, đến nay đã có khá nhiều doanh nghiệp tham gia Chương trình mà không cần ứng vốn vay của Nhà nước. Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2011 có khoảng 244 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 61 doanh nghiệp không nhận hỗ trợ về vốn của Nhà nước. Bên cạnh đó, ngoài lượng vốn được vay hỗ trợ, các doanh nghiệp tham gia Chương trình cũng tự tăng thêm khá nhiều giá trị hàng hóa đưa vào bình ổn.
Vấn đề đặt ra và giải pháp trong thời gian tới
Bên cạnh những tác động và hiệu quả tích cực mà chương trình bình ổn giá mang lại, vẫn còn tồn tại một số hạn chế làm ảnh hưởng không nhỏ tới mục đích mà chương trình hướng tới. Cụ thể, đến nay, số lượng các điểm bán hàng còn chưa rộng khắp đến các vùng nông thôn nên các đối tượng dân cư được thụ hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình còn chưa cao. Ngoài ra, việc hỗ trợ vốn vay mới chỉ tập trung chủ yếu cho các doanh nghiệp phân phối dự trữ hàng giá thành phẩm, chưa quan tâm hỗ trợ nhiều cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nhất là đối tượng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Việc tổ chức phê duyệt giá bán hàng bình ổn của các sở, ban, ngành thực hiện chưa tốt dẫn đến việc một số phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh về giá bán hàng bình ổn không thống nhất.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, đồng thời nhân rộng và phát triển quy mô chương trình rộng hơn, các cấp, ngành cần tập trung phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn theo hướng tiếp tục mở rộng ra các địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất và các chợ truyền thống. Ngoài việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ vốn vay, khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình, đồng thời, tăng cường hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn (có quy mô kinh doanh trên nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và các địa phương trong việc tạo lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhằm tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá hợp lý, kiểm soát được chất lượng.
Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, theo Bộ Công Thương, cần tạo điều kiện về mặt chủ trương cho các địa phương thực hiện chương trình bình ổn. Đồng thời, xây dựng cơ chế hướng dẫn về tài chính, về tổ chức tạo lập và phân phối nguồn hàng một cách thống nhất cho các địa phương khác chưa có kinh nghiệm thực hiện Chương trình.
Cùng với đó, để thúc đẩy quá trình xã hội hóa của Chương trình cần có chính sách ưu đãi về thuế áp dụng cho các đơn vị tham gia Chương trình không nhận vốn vay từ ngân sách và những doanh nghiệp không tham gia bình ổn.
Đối với một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, trước tiên là những mặt hàng có nhu cầu hoặc nguồn cung mang tính mùa vụ cao, thường xuyên có biến động bất ổn, Chính phủ cần giao cho Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế dự trữ lưu thông để điều tiết nguồn hàng trên thị trường hợp lý, tránh tình trạng dư cung hoặc thiếu cung hàng hóa, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân.
Đặc biệt, trong quá trình hoàn thiện Luật Giá, cần đề xuất giữ nguyên quy định để các địa phương được chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Đồng thời, khi nghiên cứu xây dựng Quỹ Bình ổn giá, cần lưu ý cơ chế phối hợp sử dụng nhằm sử dụng Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí nguồn lực chung của xã hội./.
Theo cpv.org.vn