Tổng dư nợ hết quí là trên 6.700 tỷ đồng, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn trên 3.000 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội trên 1.200 tỷ đồng.
Dư nợ các ngân hàng thương mại còn lại như: Đầu tư & Phát triển trên 1.400 tỷ đồng, Công thương trên 437 tỷ đồng, Kỹ thương trên 2.500 tỷ đồng. Nhìn vào cơ cấu tín dụng cho thấy, xu thế cho vay tại các doanh nghiệp không tăng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp giảm mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng như giảm trần lãi suất huy động, giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu... nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn rất khó khăn khi tiếp cận vốn.
Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, đó là do không có dự án "đẹp", không có tài sản thế chấp đảm bảo. Điều này cũng dễ hiểu bởi trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, công nghệ, thiết bị lạc hậu, sức cạnh tranh yếu.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà xưởng, trang thiết bị... và vốn lưu động chủ yếu sử dụng vốn vay, bản thân doanh nghiệp đang là con nợ của ngân hàng.
Từ năm 2010 đến nay, khi tình trạng lạm phát gia tăng, Chính phủ thực hiện một loạt giải pháp kiềm chế lạm phát, trong có việc thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng hạn chế cho vay, tăng cường thu nợ đã làm nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, dẫn tới khó duy trì sản xuất.
Cụ thể như Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình - một doanh nghiệp làm ăn tương đối có hiệu quả những năm trước nhưng trong quí 1 năm nay, sản xuất bị đình đốn, doanh nghiệp phải dừng sản xuất gần 1 tháng do một phần đầu ra thị trường khó khăn, chi phí tăng nhưng đầu ra không tăng tương xứng.
Nguyên nhân chính là do vốn vay đầu tư quá lớn, lại không tiếp cận được vốn lưu động để duy trì sản xuất nên các ngân hàng phải đắn đo khi cho doanh nghiệp vay vốn.
Trong điều kiện hiện nay, cùng với việc phải chấp nhận loại bỏ những doanh nghiệp có năng lực và sức cạnh tranh yếu, việc các ngành chức năng và các ngân hàng thực hiện biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về vốn là cần thiết, cụ thể là việc giãn nợ vay và giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và ngân hàng cũng có tác động tương hỗ lẫn nhau.
Điều đáng mừng là vừa qua, Thống đốc NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp về hoạt động tín dụng.
Theo văn bản trên, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và hộ dân, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để tháo gỡ khó khăn cho họ trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng.
Trên cơ sở kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, TCTD thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng theo quy định tại Quyết định số 783/2005 của NHNN.
Cụ thể, khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ trong các kỳ hạn tiếp theo thì TCTD xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và lãi vốn vay.
Khách hàng không có có khả năng trả hết nợ gốc và hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng và được TCTD đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay thì TCTD xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.
Thống đốc cũng yêu cầu, trên cơ sở khả năng tài chính và chính sách khách hàng của TCTD, TCTD xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các hợp đồng tín dụng xuống theo mức lãi suất cho vay hiện hành, nhất là đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động.
Các TCTD xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định tại Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng và trên cơ sở khả năng tài chính, quy chế miễn, giảm lãi của TCTD... Có thể nói, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng là chiếc "phao cứu sinh" đối với các doanh nghiệp hiện nay và cũng giúp các TCTD trên địa bàn có căn cứ thực hiện.
Theo YBĐT