Chiều 16/4, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái do đồng chí Dương Văn thống – Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn tiến hành giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường giai đoạn 2000 -2011 tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo báo cáo phân vùng hoạt động khoáng sản, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 257 điểm mỏ và điểm quặng, hiện có 47 đơn vị hoạt động thăm dò khoáng sản và 130 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản với 203 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Thời gian qua, Yên Bái đã triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản. Các hoạt động khoáng sản được xem xét, cấp phép theo đúng quy định về trình tự, thủ tục. Vấn đề bảo vệ môi được các cấp, các ngành, nhân dân nơi có hoạt động khoáng sản tham gia xây dựng và giám sát. Công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản được các ngành chức năng thường xuyên thực hiện…
Tuy nhiên, đa số các mỏ và cơ sở chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, hoạt động vận chuyển làm hư hỏng hạ tầng giao thông ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân địa phương; ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của các doanh nghiệp trong hoạt động khoáng sản chưa cao, khai thác không theo thiết kế, không đúng quy trình, chưa áp dụng triệt để các biện pháp bảo vệ môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý đối với các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trong thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường chưa thường xuyên.
Tại cuộc giám sát, thành viên đoàn đã trao đổi, thảo luận xung quanh những vấn đề quan tâm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Đó là, việc thi hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản còn một số quy định chưa kịp thời, chưa sát thực tế; vấn đề quy hoạch, thuế, phí trong hoạt động khoáng sản; đánh giá hiệu quả kinh tế, mức độ ô nhiễm môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản; vấn đề xử lý các vi phạm gây ô nhiễm môi trường; kinh phí cho hoạt động quản lý khai thác gắn với bảo vệ môi trường…
Phát biểu tại cuộc giám sát, đồng chí Dương Văn Thống đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với các ngành cụ thể hoá giải pháp tháo gỡ khó khăn, quản lý hiệu quả việc khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép và gia hạn giấy phép cho các doanh nghiệp khai thác; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có hình thức xử lý phù hợp với các đơn vị vi phạm…
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu những kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình lên Quốc hội trong kỳ họp tới.
Theo YBĐT