Khái quát
So với mức tăng cùng kỳ của năm trước, 3 ngành: sản xuất phân phối điện, ga, nước có mức tăng trưởng cao nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành cao hơn so với mức tăng 9% của cùng kỳ năm trước, trong đó tăng cao ở nhóm hàng sản xuất tập trung và phân phối điện tăng 14,2%. Tiếp đó đến ngành công nghiệp khai thác mỏ có chỉ số sản xuất tăng hơn so với mức tăng 1,3% của cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở khai thác dầu thô và khí tự nhiên.
Công nghiệp chế biến vẫn là ngành gặp nhiều khó khăn nhất, chỉ số sản xuất 3 tháng đầu năm của ngành này thấp hơn nhiều so với mức tăng 13,4% của cùng kỳ năm trước. Trong số 32 nhóm hàng công nghiệp chế biến chính thì có đến 18 nhóm hàng có chỉ số sản xuất giảm như: xi măng, sắt thép, sản xuất sợi và dệt vải, sản xuất giày dép, sản xuất giấy nhăn, bao bì, bột giấy, giấy, bìa, sản xuất phân bón và hợp chất nitơ, sản xuất các sản phẩm khác từ plastic, sản xuất xe có động cơ, bàn ghế, giường tủ, sản xuất đồ uống không cồn, sản xuất cáp điện và dây điện, sản xuất các thiết bị gia đình...
Do tiêu thụ giảm nên lượng tồn kho của nhiều sản phẩm vẫn còn cao so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm 01 tháng 3, lượng tồn kho của phân bón và hợp chất ni tơ tăng 62,7%; sắt, thép tăng 59,1%; bia và mạch nha tăng 48%; cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 29,0%; sợi và dệt vải tăng 6,6%; đồ uống không cồn tăng 11,0%...
Diễn biến chính từng ngành
Trong Quý I, tình hình cung cấp điện của cả nước an toàn, ổn định, đảm bảo cung ứng đủ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và điện sinh hoạt, đặc biệt là cấp điện cho các trạm bơm, kể cả các trạm bơm dã chiến trong thời gian lấy nước tập trung phục vụ đổ ải. Sản lượng điện của các nhà máy thuỷ điện khai thác theo kế hoạch điều tiết để đảm bảo cấp điện đủ cho mùa khô 2012; các nguồn nhiệt điện than, tuốc bin khí khai thác theo phụ tải thực tế.
Để đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân trong các tháng cuối mùa khô năm nay (từ tháng 3 đến tháng 6), Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước các hồ thủy điện lớn không giảm quá thấp trước thời điểm 01 tháng 6 năm nay để dự phòng cho phát điện đến cuối mùa khô 2012. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) bố trí kế hoạch hợp lý và rút ngắn thời gian bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy phát điện để đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động cho hệ thống điện từ nay đến tháng 6 năm 2012. Đồng thời, chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Công Thương các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả.
3 tháng đầu năm 2012, hoạt động tìm kiếm thăm dò được triển khai tích cực, tiến độ khoan ở các giếng khoan thăm dò/thẩm lượng đảm bảo kế hoạch. Công tác thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí ổn định và tăng trưởng khá, kể cả các mỏ ở nước ngoài mới đưa vào khai thác. Sản lượng dầu thô khai thác quý I của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Xăng dầu các loại đạt 1.597,4 nghìn tấn, bằng 99,9% so với cùng kỳ 2010.
Giá dầu thô thế giới liên tục tăng từ đầu năm tới tình hình chính trị. Thực tế, thị trường thế giới hiện không thiếu dầu, nhưng các nhà đầu tư lo ngại sẽ thiếu dầu khi tình hình Iran căng thẳng hơn nữa nên mua mạnh, đẩy giá tăng.
Ngành than và khoáng sản thực hiện các giải pháo đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo cung cấp than phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, 3 tháng đầu năm, sản lượng than nguyên khai của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ước đạt 12,629 triệu tấn, đạt 25,8% kế hoạch năm, bằng 99,7% so với cùng kỳ. Than tồn tính đến cuối quý I là 7,018 triệu tấn, trong đó than thành phẩm 5,416 triệu tấn, nguyên khai và bán thành phẩm 1,601 triệu tấn. Công tác phát triển mỏ ổn định theo kế hoạch.
Thị trường thép trong nước 3 tháng đầu năm 2012 vẫn chịu tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, việc tiêu thụ bị thu hẹp do nhiều nước thực thi chính sách kinh tế kiểm soát chặt chẽ, cắt giảm đầu tư, giảm nợ công.
Giá bán thép trong những tháng qua không có biến động nhiều do thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu xâu dựng chưa nhiều, cộng với tồn kho cao, giá niêm yết của các đơn vị không thay đổi. Ngày 07 tháng 3 năm 2012, Công ty Posco VST đã khánh thành nhà máy sản xuất thép không gỉ cán nguội lớn nhất tại Đồng Nai có quy mô 150.000 tấn/năm, cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu các sản phẩm này.
Sản lượng phân bón quí I năm 2012 giảm so với cùng kỳ do nhu cầu thị trường trầm lắng, thời tiết lạnh diễn biến kéo dài. Nhập khẩu phân bón 3 tháng đầu năm 2012 cũng giảm 13,3%, trong đó, nhập khẩu phân ure giảm mạnh 64,7% do nhà máy Đạm Cà Mau đã chính thức đưa ra thị trường sản phẩm đầu tiên vào cuối tháng 01 năm 2012.
Từ đầu năm đến nay, sau một thời gian dài ổn định, hiện giá nhiều loại phân bón đã bắt đầu có xu hướng tăng trở lại nhất là tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Nguyên nhân chủ yếu là do đang bước vào vụ lúa hè thu, nhu cầu cầu phân bón tăng lên. Bên cạnh đó, việc tăng giá xăng dầu ảnh hưởng đến giá thành sản xuất, chi phí vận chuyển cùng với giá phân bón trên thị trường thế giới cũng tăng 5-7 đô la Mỹ/tấn sẽ kéo giá phân bón trong nước nhích lên.
Do khó khăn chung của nền kinh tế nên các doanh nghiệp cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù có tháng tết là tháng tiêu thụ nóng nhưng thị trường ô tô, xe máy vẫn tiếp tục ảm đạm. Thị trường điện máy trong nước quý I cũng có dấu hiệu chững lại khi sức mua có xu hướng giảm.
Quý I, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 5,0% so với cùng kỳ, vải dệt từ sợi bông tăng 16,7%; quần áo cho người lớn tăng 7,3%. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 3,235 triệu USD tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may những tháng đầu năm về cơ bản giảm cả lượng và trị giá, trong đó về trị giá bông giảm 36,5%; sợi các loại giảm 13,4%; vải giảm 11,1%.
Đối với thị trường nội địa, nhờ đầu tư chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý, sản phẩm dệt may trong nước đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa. Thị trường hàng tiêu dùng cho trẻ em ngày càng được chú ý hơn.
Quý I, ngành da giày gặp nhiều khó khăn đặc biệt là do thiếu lao động. Nguyên nhân chính là do thu nhập của người lao động thấp, khó cạnh tranh với các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp da giầy mới ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý I, chỉ có một số doanh nghiệp là ký được hợp đồng đến hết quý II. Tựu chung đơn hàng giảm từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm trước.
- Sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành giấy 3 tháng đầu năm tiếp tục giảm. Tình hình thị trường có nhiều biến động bất lợi, giá cả vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào như: gỗ, bột giấy, hoá chất,… biến động khá nhiều. Bên cạnh đó, ngành giấy trong nước còn phải cạnh tranh gay gắt với giấy nhập khẩu.
Quý I năm 2012, sản lượng sản xuất thuốc lá ước đạt 1.341 triệu bao các loại, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Việc điều chỉnh khâu phân phối, giảm sự chi phối của các cấp trung gian, ổn định thị trường đã phần nào cải thiện tình hình tiêu thụ sản phẩm thuốc lá. Tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp mà điểm nóng là các vùng biên.
Mặc dù quý I năm 2012 vào đúng dịp Tết Nhâm Thìn nhưng do thời tiết lạnh kéo dài nên nhu cầu tiêu thụ bia trong quý chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Sau Tết nhu cầu không có đột biến nên sản lượng sản xuất bia các loại 3 tháng giảm so với cùng kỳ.
3 tháng đầu năm 2012, sản xuất của ngành sữa ổn định. Việc tăng giá sữa đợt này được lý giải bằng nhiều lý do khác nhau, nhưng chung nhất là do chi phí đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang yêu cầu các doanh nghiệp tăng giá phải kê khai cơ cấu tính giá và giải trình cho việc tăng giá của mình nhằm kiểm soát mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá.
Sản xuất kinh doanh của ngành ổn định, ước sản lượng dầu thực vật (tinh luyện) 3 tháng đầu năm đạt 129,4 nghìn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Phương hướng
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; rà soát, hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Tập trung giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm.
Các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu (đối với hoạt động sản xuất) và các máy móc thiết bị (đối với các dự án đầu tư) đã sản xuất được trong nước để giảm chi phí, hạ giá thành và tăng hiệu quả đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tích cực phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất điện huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô./.
Theo vietrade.gov.vn