Thương mại điện tử ở Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như các cơ quan xây dựng chính sách. Nghị quyết 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và áp dụng cơ chế phù hợp khuyến khích phát triển thương mại điện tử.
Nhằm thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, hướng tới việc đề xuất, xây dựng các chính sách hỗ trợ, tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh cho thương mại điện tử phát triển, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội thảo “Các vấn đề về thuế trong giao dịch thương mại điện tử qua biên giới” vào ngày 10 tháng 4 năm 2012 tại Hà Nội.
Tham dự Hội thảo có nhiều diễn giả là các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, thuế, công nghệ thông tin và gần 150 đại biểu đại diện cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Các tham luận tại Hội thảo đều thống nhất xu hướng giao dịch thương mại điện tử qua biên giới sẽ tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn tới, bao gồm các giao dịch do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam cũng như các giao dịch do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho các khách hàng nước ngoài.
Qua các bài tham luận của nhiều diễn giả và trao đổi tại Hội thảo, ý kiến chung đều thống nhất các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các khách hàng Việt Nam phải nộp các loại thuế được quy định tại Thông tư số 134/2008 ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam”. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam, các đại lý hoặc khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên doanh thu cho cơ quan thuế trước khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cho nhà cung cấp dịch vụ. Như vậy, hội thảo đã làm sáng tỏ trách nhiệm của các bên liên quan và khẳng định các doanh nghiệp như Google không trốn thuế tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng phân tích và chỉ ra nhiều khó khăn còn tồn tại đối với hoạt động thu thuế, hóa đơn, thanh toán và quản lý ngoại tệ. Chẳng hạn, cần phải nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn liên quan tới pháp luật về thuế và thương mại điện tử của cả doanh nghiệp lẫn các nhân viên ngành thuế, rà soát các chính sách về quản lý ngoại hối trong môi trường thương mại điện tử, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng và thực thi chính sách pháp luật liên quan tới giao dịch thương mại điện tử qua biên giới.
Nhiều đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức Hội thảo này và đề nghị Hiệp hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một số hội thảo chuyên đề trong thời gian tới.
Theo Bộ Công Thương