Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá bao gồm nhiều hàng hóa, dịch vụ, nhưng cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá.
Nếu thị trường ổn định thì có thể không cần áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào. Một số mặt hàng trong danh mục hiện hành như sắt, thép, xi măng đã được bỏ ra khỏi danh mục trong dự thảo luật.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị rà soát lại các nhóm hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Có nhiều hàng hóa, dịch vụ trong số này (như xăng dầu, nước sạch, điện, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa…) chỉ nên để ở danh mục thực hiện bình ổn giá thay vì Nhà nước định giá để đảm bảo tính chất “thị trường”, tránh tối đa việc can thiệp hành chính vào nền kinh tế.
Sáng cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Dự trữ quốc gia. Theo tờ trình của Chính phủ, phạm vi hàng dự trữ quốc gia được quy định tại dự thảo Luật Dự trữ quốc gia bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền.
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị không nên quy định dự trữ quốc gia bằng tiền mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu.
Lý do là mục tiêu của dự trữ quốc gia là nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với tình huống đặc biệt nghiêm trọng.
Vì vậy, chỉ hàng hóa mới đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với mục tiêu của dự trữ quốc gia, khó có thể sử dụng tiền để ứng cứu trong những tình huống này.
Bên cạnh đó, nếu đã dự trữ thì phải là ngoại tệ, dự trữ nội tệ là không hợp lý, ngân sách hạn hẹp, vẫn đi vay mà tự nhiên để một nguồn tiền ở đó là không hợp lý.
Theo SGGP