Bạn đang ở đây

Xây dựng chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020

12/04/2012 15:20:22

Hội thảo nhằm đánh giá các tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với tăng trưởng, đầu tư và đặc biệt là thương mại trong 10 năm gần đây, đồng thời đưa ra những kiến nghị, chính sách, cơ chế quản lý xuất nhập khẩu Việt Nam cần xem xét và thực thi nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, hạn chế nhập siêu giai đoạn 2011-2015, mục tiêu đến 2020. 

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng, dù ở cấp độ đơn phương, song phương, khu vực hay Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì cơ hội phát triển càng nhiều, song khó khăn thách thức càng lớn. Quá trình hội nhập kinh tế, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) còn làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Tình hình hiện nay đòi hỏi phải có một chiến lược xuất nhập khẩu hiệu quả nhằm thực sự góp phần cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng hiệu quả như đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo chiến lược xuất khẩu cho rằng: Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cơ chế, chính sách thương mại hướng tới mục tiêu khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm nhập khẩu đáp ứng yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ, phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước; mở rộng hợp tác với các nước trên thế giới và trong khu vực. Báo cáo đã đi sâu phân tích sự thay đổi tư duy và do đó dẫn đến sự thay đổi chính sách, cơ chế điều hành xuất nhập khẩu cũng như các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ xuất khẩu trong thập kỷ vừa qua có những khác biệt đáng kể trong hai giai đoạn 2001-2005 và giai đoạn 2006-2010 theo hướng ngày càng thông thoáng hơn, quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu được thừa nhận. Điều này đã huy động được nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân và góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong chính sách thương mại gồm văn bản pháp quy liên quan đến chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các Bộ, ngành thường xuyên bổ sung, sửa đổi nhưng chưa phổ biến rộng rãi trước khi có hiệu lực. Trong khi đó, việc tham vấn doanh nghiệp trong xây dựng các văn bản pháp quy chưa được chú trọng đúng mức. Kết quả là doanh nghiệp và kể cả các cơ quan quản lý chưa có được sự chủ động cần thiết. Ngoài ra, chính sách thương mại hiện nay vẫn chưa xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và sự bất cập trong công tác kiểm tra theo tiêu chuẩn này với hàng nhập khẩu để góp phần bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng phù hợp với các qui định của WTO. Không những thế, công tác tổ chức xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có khối lượng và giá trị lớn còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện tốt cho việc xác lập mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến, thương nhân xuất khẩu nhằm ổn định nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và khả năng điều tiết lượng hàng xuất khẩu, đạt đến giá trị xuất khẩu cao. Cùng đó, việc vận dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chưa thực sự hiệu quả trong khi đây lại là những biện pháp hữu hiệu phù hợp với cam kết WTO để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Biên cho biết: Tới đây Việt Nam sẽ tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và lao động rẻ như thủy sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình. Giai đoạn 2016-2020, nước ta tập trung phát triển các mặt hàng công nghệ mới có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghiệp và chất xám cao trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng giảm nhập khẩu hàng thô, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp đặc biệt là hàng công nghiệp chế tạo điện tử, viễn thông, vật liệu xây dựng.

Để phát triển xuất nhập khẩu ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần phát triển xuất khẩu trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đảm bảo tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Vì vậy, Việt Nam phải kiên trì định hướng công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu. Trong bối cảnh hiện nay, khi khủng hoảng và suy thoái toàn cầu làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều quan điểm cho thấy cần chuyển định hướng phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu sang thay thế nhập khẩu và phát triển thị trường nội địa. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy thông qua các biện pháp tăng cường bảo hộ thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, thị trường trong nước chưa phát triển thì cần tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển xuất khẩu là con đường để Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới./.

Theo vinanet.com.vn