Bạn đang ở đây

Mập mờ thời điểm tăng giá điện

15/03/2012 11:16:25

Sau khi giá xăng được tăng thêm 10% kể từ ngày 7/3, thì hiện nay mối quan tâm của người tiêu dùng lại đang tập trung vào ngành điện. Tuy nhiên, mức tăng và thời điểm tăng, hiện vẫn đang là một câu hỏi khó có thể trả lời. 
Chưa có thông tin về khả năng tăng giá điện

Hiện nay điện đang đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, là sản phẩm đầu vào của nhiều ngành sản xuất, dịch vụ. Vì vậy, trước những biến động không ngừng về nhu cầu, giá cả, chi phí… thì việc tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay là một điều mà hầu hết người tiêu dùng đã ngầm suy đoán ra.
Khả năng tăng giá điện càng có cơ sở hơn, khi mà chúng ta đem so sánh với những quy định trong Quyết định số 24 của Chính phủ về cơ chế giá điện theo thị trường, cùng với mức lỗ mà ngành này đang gánh chịu.

Bằng chứng là theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của EVN, lỗ trong sản xuất kinh doanh đã lên tới 8.400 tỷ đồng. Nếu tính cả lỗ vì chênh lệch tỷ giá tới trên 17.000 tỷ đồng, thì cả năm 2011 EVN cán mốc lỗ hơn 25.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, năm vừa qua mặc dù giá điện đã tăng, áp lực lỗ từ điện giảm mạnh nhưng Tập đoàn này vẫn lỗ trên 3.500 tỷ đồng. 

Trao đổi với phóng viên về khả năng tăng giá điện trong thời gian tới, tại Hội thảo Khoa học “Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường ở Việt Nam”, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương cho biết: Hiện nay Cục điều tiết điện lực đang đảm nhiệm phần lớn công việc của Bộ Công Thương về quản lý điện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này Cục chưa nhận được đề nghị tăng giá điện nào của EVN.

“Với lý do này Cục điều tiết điện lực chưa thể đưa ra bình luận gì, về vấn đề có hay không việc tăng giá điện trong thời gian tới”, ông Cường chia sẻ.

Cũng theo ông Cường, theo Quyết định số 24 của Chính phủ thì ngành điện sẽ được điều chỉnh giá 4 lần/năm. Tuy nhiên mức này có thể sẽ bị thay đổi, vì nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của thị trường, cũng như sức chịu đựng của nền kinh tế và chỉ tiêu lạm phát mà Chính phủ đề ra.

Năm 2013, một số mặt hàng trong đó có giá điện sẽ phải thực hiện giá theo cơ chế thị trường, nhưng thực tế EVN lỗ 15.000 tỷ chênh lệch giá và hơn 8.000 tỷ sản xuất kinh doanh điện. Vì vậy, để giải quyết khoản lỗ này EVN sẽ phải có lộ trình tính vào giá, nhưng bao lâu phải xin ý kiến thủ tướng Chính phủ, ông Cường nói.
Cần minh bạch chính sách giá

Theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ, về cơ chế giá điện theo thị trường, nếu chi phí đầu vào tăng 5% thì ngành điện được điều chỉnh tăng giá bán điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký và được Bộ Công Thương chấp thuận, không cần gửi Bộ Tài chính thẩm định. Khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá điện liên tiếp tối thiểu là 3 ngày, thay vì điều chỉnh mỗi năm một lần như trước.

Như vậy, nếu theo thông tư này, ngành điện có thể tăng giá bán điện mỗi năm lên tới trên 20% (tính lũy kế các lần điều chỉnh).

Nhìn nhận về vấn đề tăng giá điện, nhiều chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng việc điều chỉnh giá không có vấn đề gì đáng nói, trước biến động mạnh về nhu cầu cũng như giá cả thị trường. Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây là ngành điện cần minh bạch và tránh chuyện bù chéo giữa các ngành.

Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền, mỗi lần điều chỉnh giá điện, chính sách luôn chú ý tới việc hỗ trợ cho người nghèo. Tuy nhiên, những khoản hỗ trợ này thực tế không lớn nếu so với những khoản mà ngành điện hỗ trợ các ngành sản xuất như thép, xi măng.

Cũng theo bà Hiền, việc bù chéo là vô lý, các ngành này sản xuất và còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa thì vì sao lại được hưởng giá thấp. Cần phải tính tới toàn ngành kinh tế chứ không chỉ một vài ngành sản xuất.

Để giải quyết vấn đề này bà Hiền cho rằng, cần có bảng giá điện phù hợp cho từng khu dân cư, từng đối tượng, không để người dân phải gánh mức giá mà ngành điện bù cho ngành sản xuất. “Điều chỉnh được điều này, việc tiến lên cơ chế thị trường về giá điện mới tiến được một bước,” bà Hiền nói.

Trong khi đó, Tiến Sỹ Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện Kinh tế - Tài chính lại cho rằng, hiện nay vấn đề quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành điện còn yếu và thực hiện chưa tốt. Đặc biệt, các cơ quan quản lý chuyên ngành chưa dự báo được diễn biến của thị trường điện và có chương trình phát triển phù hợp. Các dự án điện triển khai chậm dẫn tới phải sử dụng nguồn điện khác có chi phí cao.

Đặc biệt hơn, theo ông Tuyến, việc giá điện chỉ tăng mà không xuống còn một phần do thị trường điện vẫn là thị trường độc quyền. Theo đánh giá của tiến sĩ Tuyến, hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang chiếm trên 70% sản lượng điện sản xuất nên chi phí sản xuất cũng như giá bán có ý nghĩa quyết định trên thị trường.

Với tư cách là một đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, ông Vương Ngọc Tuấn – Phó tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, hiện nay tất cả mọi hoạt động trong xã hội đều dùng tới điện, vì khi giá tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mọi loại giá cả, áp lực lạm phát theo đó cũng tăng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người tiêu dùng. “Đây là một phản ứng tự nhiên, là quy luật thị trường không thể cưỡng lại”, ông Tuấn nói.

Theo VnMedia

Tin liên quan