Năm 2003, giống chè Bát tiên được đưa về trồng ở huyện Trấn Yên với rất nhiều kỳ vọng và cả ngờ vực. Nói như vậy vì sau thất bại của cây cà phê, việc đưa một đối tượng cây mới vào thật không dễ. Còn sự kỳ vọng là rất có cơ sở bởi qua tài liệu, qua khảo nghiệm và thăm quan cho thấy giống chè Bát tiên phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Trấn Yên, phù hợp với trình độ canh tác của bà con, đặc biệt là sản phẩm chè Bát tiên có chất lượng tốt, hơn hẳn giống chè trung du được trồng từ lâu đang dần bị thoái hoá nên năng suất, chất lượng thấp.
Những vườn chè Bát tiên đầu tiên ở Nga Quán, Bảo Hưng, Đào Thịnh... đã ra đời mà chủ nhân của nó là những cán bộ, đảng viên tiên phong và những lão nông tích cực áp dụng KHKT, khát khao tìm kiếm đối tượng cây trồng mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi nhà chỉ một đến 2 sào, nhà nhiều không quá 1000m2; diện tích chè Bát tiên ở Trấn Yên xuất phát với những bước đi nhỏ như vậy nhưng không ít người đã cho rằng chính cái sự “chậm nhưng chắc” ấy là nguyên nhân cơ bản dẫn tới thành công của chương trình trồng chè chất lượng cao - một chương trình kinh tế quan trọng của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Trấn Yên nhiệm kỳ 2005 - 2010.
Thời gian qua đi, những vườn chè đầu tiên đã qua thời kiến thiết cơ bản, bắt đầu cho thu hái. Tuy búp chè không mập mạp, tua tủa như nhiều giống chè khác, nhất là so với giống nhập nội LDP1 nhưng đổi lại, chè Bát tiên có hương vị thơm ngon đặc biệt. Thưởng thức chén trà Bát tiên, người nghiện chè có sành đến mấy cũng phải gật gù nhận xét: “Thơm ngon, đẹp màu, được nước!”. Ngon đến thế thì nghiễm nhiên sản phẩm chè Bát tiên trở thành món quà quý dùng để cho, biếu, tặng.
Đồng chí Cao Ngọc Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Nga Quán kể lại: “Hồi ấy tôi pha ấm trà mời bạn đồng ngũ đến chơi nhà, uống vào ai cũng khen ngon rồi hỏi: “Chè Thái Nguyên hay Suối Giàng mà ngon thế?”. Bật mí rằng đây là chè dân dưới thôn Ninh Thuận, Hồng Thái làm ra thì các bạn quá bất ngờ, đòi đưa đi thăm quan rồi động viên nhau mỗi người trồng lấy vài sào, vừa lấy chè ngon uống, vừa có tiền tiêu”.
Những năm 2006, 2007 một cân chè khô sao từ những vườn chè trồng đại trà bán được 120 nghìn thì đúng là chuyện chưa bao giờ xảy ra, đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng để diện tích chè Bát tiên ở Trấn Yên tăng nhanh. Hết năm 2011, tổng diện tích đã lên đến 422 ha, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha (thấp hơn 8 tạ so với năng suất bình quân chung của toàn huyện). Làm chè Bát tiên, chất lượng cao đương nhiên quy trình có khác, mức đầu tư lớn hơn, càng chăm sóc đúng kỹ thuật chè càng có năng suất và chất lượng cao hơn. Dù vậy, cũng chưa đến mức quá khó, ngoài khả năng và điều kiện của bà con. Khi diện tích đã khá, năng suất ổn định và sản lượng thu hái không còn nhỏ, huyện Trấn Yên đã nghĩ tới việc tổ chức chế biến quy mô lớn và xây dựng thương hiệu cho thứ đặc sản của quê hương mình.
Theo đó, Trấn Yên cũng đã xây dựng được hai cơ sở chế biến gồm Hợp tác xã 16/12 Đào Thịnh - mô hình tự cung tự cấp nguyên liệu (với diện tích 2 ha chè kinh doanh) do anh em cựu chiến binh làm nòng cốt; cơ sở thứ hai là Công ty TNHH Thảo Nhung với xưởng chế biến quy mô nhỏ, công nghệ không mới… Với quy mô và năng lực chế biến như vậy nên lượng hàng làm ra cũng không đáng kể, sức lan tỏa của thương hiệu cũng chỉ ở chỗ... làng trên xóm dưới! Qua đánh giá của dân làm chè thì giai đoạn đầu của cây chè Bát tiên có xây dựng nhà máy quy mô lớn cũng khó thành công bởi đơn giản là bà con có chè búp tươi không hề muốn bán cho các nhà máy, họ sợ ép cấp, ép giá, đặc biệt chè khô do người dân tự làm ra vẫn là món hàng quý và không bao giờ ế, giá bán lại khá cao.
Đồng chí Nguyễn Tiến Triển - Phó trưởng phòng Nông nghiệp Trấn Yên cho biết: “Gần như toàn bộ số chè bà con thu hái đều tự tổ chức sao thủ công rồi bán lại cho các cửa hàng công nghệ phẩm với giá từ 150 đến 250 nghìn đồng/kg (tùy thời điểm, tùy chất lượng), cứ 5 kg chè tươi sao được 1 kg chè khô thì nhà máy nào muốn thu mua chè Bát tiên để chế biến cũng phải xây dựng khung giá từ 20 nghìn đồng/kg trở lên. Chưa có nhà chế biến nào đáp ứng được yêu cầu nên dù không khuyến khích trên địa bàn huyện vẫn có hàng trăm “bom” chè, đó cũng là nguyên nhân gia tăng giá trị sản phẩm chè Bát tiên”.
Với diện tích 422 ha, năng suất 70 tạ/ha, sản phẩm chè khô từ 150 đến 250 nghìn đồng/kg, cây chè Bát tiên thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đảng bộ Trấn Yên cũng khẳng định chương trình phát triển chè Bát tiên là một trong những thành công lớn của Đảng bộ huyện trên lĩnh vực phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Được biết, hiện nay Trấn Yên tiếp tục chỉ đạo nhân dân tiếp tục cải tạo những nương chè già cỗi bằng giống chè Bát tiên chất lượng cao, mỗi năm diện tích trồng mới từ 50 đến 100 ha. Như vậy diện tích, năng suất và sản lượng chè Bát tiên sẽ khá lớn, sản lượng này tăng hơn khi nhiều diện tích qua thời kỳ kiến thiết cơ bản, chuyển sang chè kinh doanh, cùng với điều kiện chăm sóc, đầu tư của dân ngày một tốt hơn, lớn hơn…
Đến đây thì chảo gang và “bom” quay, những công cụ thô sơ như vậy sẽ phải “tự đào thải” (ít nhất là khó có thể ngốn hết sản lượng chè búp tươi thu hái được), cùng với đó là yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa… phải được đáp ứng cho việc tiêu thụ trên một thị trường lớn, nhất là xuất khẩu. Ngay hôm nay thôi không ít người vẫn nói: “Chè Bát tiên mà mua được loại chuẩn, không pha tạp gì, không thuốc sâu thì còn gì bằng”. Câu nói này sẽ khiến những người tâm huyết với cây chè Bát tiên ở Trấn Yên nghĩ tới chuyện không thể mải vui với thành công đã đạt được, cần tính tới chuyện áp dụng quy trình sản xuất an toàn, phải có hướng xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng giá trị này.
Đem câu chuyện cây chè Bát tiên ở Trấn Yên trao đổi với ông Chu Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Hưng Thịnh, ông Tuấn cho biết: “Mỗi nhà trồng vài trăm mét vuông; trồng rộng khắp từ đầu tới cuối huyện như thế khó có thể nói xây dựng nhà máy gắn với vùng nguyên liệu. Trấn Yên cần xây dựng vùng trồng chè Bát tiên tập trung, có chính sách thu hút và lựa chọn nhà đầu tư đủ tầm để họ xây dựng nhà máy chế biến quy mô lớn, có chiến lược kinh doanh và quảng bá thật tốt!”.
Đó là ý kiến của người kinh doanh, của người có kinh nghiệm làm chè lâu năm, còn trước mắt người trồng chè Bát tiên ở Trấn Yên cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình, nhất thiết chè mình làm ra phải là chè sạch, không nên pha lẫn búp chè thường trong khâu chế biến. Một thương hiệu mạnh được xây dựng bằng rất nhiều yếu tố như công nghệ quảng cáo, bao bì nhãn mác… nhưng cũng có khi nó đến một cách tự nhiên bằng chất lượng và thời gian kiểm định.
Theo YBĐT