Ông Đinh Văn Tuân - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC-TVPTCN) cho biết: “Trong tổng số gần 3 tỷ đồng kinh phí khuyến công được giải ngân, có 990 triệu là nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, còn lại là kinh phí khuyến công địa phương”.
Được biết, từ nguồn kinh phí này, TTKC-TVPTCN đã xây dựng được 52 đề án, chủ yếu thực hiện các mô hình trình diễn và ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất. Có thể dẫn chứng một số mô hình khuyến công tiêu biểu như mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bao bì PP tại Công ty TNHH Yên Phú (Yên Bình); hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) hay mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến chè đen xuất khẩu của Công ty TNHH Hưng Thịnh, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái)…
Hiệu quả thiết thực từ các đề án khuyến công đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho lao động nông thôn. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp một cách bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập.
Theo ông Tuân, có được kết quả trên chính là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt là sau Quyết định số 10/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế xây dựng, tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động khuyến công tỉnh Yên Bái. Theo Quyết định này thì TTKC - TVPTCN sẽ trực tiếp ký hợp đồng thực hiện đề án với cơ sở thụ hưởng thay vì trước đây Phòng Kinh tế hạ tầng các huyện thị ký hợp đồng với cơ sở. Như vậy, hoàn toàn chủ động trong việc xúc tiến triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2012, TTKC-TVPTCN tỉnh dự kiến từ nguồn vốn chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương sẽ tập trung đầu tư vào các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn ở một số ngành nghề có lợi thế về tiềm năng của từng địa phương: chế biến nông-lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gia công cơ khí nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… đồng thời, tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ đào tạo nghề và tổ chức hội nghị triển lãm cấp khu vực…
Được biết, việc lựa chọn các cơ sở hỗ trợ sẽ chặt chẽ hơn để xây dựng đề án khuyến công có tính khả thi cao, đồng thời nâng cao mức hỗ trợ cho mỗi đề án. Kinh phí hỗ trợ này sẽ được tập trung vào các cơ sở có mức đầu tư tương đối lớn, thị trường tiêu thụ lớn, đồng thời đảm bảo giải quyết vấn đề nguyên liệu và lao động của địa phương.
Với sự lựa chọn chặt chẽ như vậy, số lượng cơ sở được hỗ trợ kinh phí khuyến công sẽ giảm đi nhưng mức hỗ trợ cho một cơ sở sẽ tăng lên (trong quy định cho phép), từ đó nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ phát huy hiệu quả hơn. Trung tâm dự kiến mức hỗ trợ tối thiểu cho một cơ sở năm 2012 phải đạt 50 triệu đồng, trừ một số cơ sở của 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
Với những nỗ lực và cố gắng, hoạt động khuyến công đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc cho ngành công nghiệp nông thôn trên địa bàn, góp phần nâng cao vị trí của ngành trong cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo YBĐT