Yên Bái là tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên trên 6.886 km2, dân số trên 75 vạn người, gồm 30 dân tộc anh em chung sống, có vị trí địa kinh tế khá quan trọng: là cửa ngõ vùng Tây Bắc, nằm trên tuyến hành lang kinh tế nối các tỉnh, thành nước ta với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ và trong tương lai sẽ phát triển đường hàng không; có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn. Trong giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh Yên Bái đã đạt được những thành tựu khá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội: tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 12,31%, trong đó: nông lâm nghiệp tăng 5,1%, công nghiệp xây dựng tăng 17,24%, dịch vụ tăng 14,25%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm 33,05% (so với năm 2005 giảm 5,93%), công nghiệp xây dựng chiếm 34,11% (so với năm 2005 tăng 6,33%), dịch vụ chiếm 32,84%. Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2010 tính theo giá thực tế gấp 2,5 lần so với năm 2005, GDP bình quân đầu người đạt 10,8 triệu. Năm 2011, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, dự ước GDP sẽ tăng ở mức trên 13%, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Cùng với các ngành và địa phương, ngành công thương Yên Bái cũng đạt được kết quả rất quan trọng: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 2.850 tỷ đồng, tăng gấp gần 3 lần so với năm 2005; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2010 gấp 3 lần so với năm 2005; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2010 đạt 28 triệu USD, gấp hơn 2,5 lần so với năm 2005. Ước kết quả đạt được năm 2011: Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.360 tỷ đồng, tăng 17,8% so với 2010; Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 6.400 tỷ đồng; tăng 19,5 % so với năm 2010; Kim ngạch xuất khẩu đạt 34 triệu USD, tăng 19.7% so với năm 2010.
Có thể nói kết quả ngành công thương đạt được thời gian qua rất quan trọng, nhưng mới là bước đầu và tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh còn rất lớn, cụ thể: trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông lâm sản, với diện tích đất lâm nghiệp 446.990 ha, trong đó đất rừng sản xuất 189.171 ha, đất chưa sử dụng 115.643 ha, mỗi năm khai thác bình quân 150- 200 ngàn m3 gỗ tròn và gần 18 triệu cây tre, vầu cho phép địa phương tiếp tục thu hút đầu tư các dự án chế biến lâm sản có quy mô khá và công nghệ hiện đại. Mặt khác đất đai thổ nhưỡng, khí hậu của Yên Bái rất phù hợp cho phát triển các vùng cây công nghiệp, hiện đã có vùng chè gần 13.000 ha, vùng sắn 12.500 ha, vùng quế trên 20 ngàn ha... đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến. Trong lĩnh vực công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, Yên Bái có chủng loại khoáng sản khá đa dạng, qua điều tra đánh giá sơ bộ toàn tỉnh có 257 mỏ và điểm quặng, thuộc hơn 25 loại khoáng sản đã được phát hiện bao gồm: sắt, đồng, vàng, chì- kẽm, đá trắng (đá hoa), cao lanh, fenspat, thạch anh, đá quý và đá bán quý, đất hiếm…trong đó một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như đá vôi trắng dùng làm khoáng chất công nghiệp và đá ốp lát, đá mỹ nghệ, có trữ lượng khoảng 1,142 tỷ m3; quặng sắt trữ lượng 200 triệu tấn…Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng là lợi thế của địa phương do có các mỏ nguyên liệu khá dồi dào như: đá vôi xi măng trữ lượng khoảng 931,2 triệu tấn, mỏ sét xi măng khoảng 10 triệu tấn, đá xây dựng khoảng 18,944 triệu m3, sét gạch ngói khoảng 2,7 triệu m3…Các sản phẩm vật liệu xây dựng của Tỉnh Yên Bái đã và đang được đầu tư các công nghệ thiết bị tiên tiến như gạch nung trong lò tuynel, sứ điện cao áp đạt tiêu chuẩn quốc tế, cao lanh tinh chế để sản xuất đồ sứ cao cấp và phục vụ cho các ngành công nghiệp khác. Hiện nay, Yên Bái đã có 02 nhà máy Sản xuất xi măng với tổng công suất 1,25 triệu tấn, 01 nhà máy sản xuất sứ kỹ thuật điện công suất 4.200 tấn/năm; Sản xuất gạch xây dựng có 02 nhà máy lớn, công suất toàn tỉnh trên 200 triệu viên/ năm. Tuy nhiên, để dáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất vật liệu xây dựng vẫn là hướng quan tâm thu hút đầu tư. Thủy điện cũng là một tiềm năng, với đặc điểm địa hình bị cắt xẻ mạnh, có hai con sông lớn chảy qua là sông Hồng và sông Chảy, cùng hàng trăm chi lưu có độ dốc lớn là nguồn thuỷ năng dồi dào cho phát triển thuỷ điện. Hiện nay, công suấtquy hoạch khoảng 400MW, hiện đã khai thác khoảng 150 MW và mục tiêu đến năm 2015, các dự án hiện nay đang thi công sẽ cơ bản hoàn thành, khai thác được 80% tiềm năng. Tiểu thủ công nghiệp cũng là hướng ưu tiên phát triển nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các sản phẩm chính là tranh đá, dệt may thổ cẩm, mộc dân dụng…Bên cạnh tiềm năng phát triển công nghiệp, Yên Bái cũng có tiềm năng và cơ hội để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ: với dân số toàn tỉnh hơn 750 ngàn người, thu nhập bình quân có tốc độ tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh thương mại nội địa. Trong thương mại xuất- nhập khẩu với vị trí nằm trên tuyến hành lang kinh tế Hà Nội- Hải Phòng- Lào Cai- Côn Minh (TQ), khi tuyến đường cao tốc hoàn thành và đi vào vận hành Yên Bái sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển các loại hình kinh doanh thương mại – dịch vụ phục vụ xuất khẩu, kết nối với thị trường Việt Nam, với thị trường các tỉnh khu vực Tây – Nam Trung Quốc.
Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian tới Ngành công thương Yên Bái sẽ tích cực tham mưu cho tỉnh hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực sản phẩm đã được phê duyệt, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực: khai thác chế biến nông lâm sản, với các sản phẩm gỗ, giấy, chè, quế, nhiên liệu sinh học; khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có sản xuất xi măng, gang thép, gạch ốp lát, khoáng chất công nghiệp; sản xuất cơ khí- lắp ráp; dệt may; các sản phẩm công nghiệp phụ trợ khác; đầu tư thủy điện vừa và nhỏ; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong các khu, cụm công nghiệp, cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ.
Tuy còn nhiều khó khăn thách thức cần phải vượt qua, nhưng với tiềm năng, lợi thế của mình, cộng với cơ chế quản lý ngày càng minh bạch hiệu quả, chính sách thu hút hấp dẫn, cơ sở hạ tầng kinh tế ngày một hoàn chỉnh, đặc biệt là với sự năng động của các doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, dịch vụ của Yên Bái sẽ phát triển nhanh, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội địa phương, giai đoạn 2011-2015.
Sở Công Thương