Bạn đang ở đây

Tháo gỡ khó khăn cho ngành chế biến gỗ

12/09/2011 09:45:46
Dự báo cả năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ cả nước đạt khoảng 4 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ của thế giới là rất lớn, mỗi năm tiêu thụ khoảng 230 tỷ USD, như vậy, Việt Nam mới đáp ứng gần 2% nhu cầu sản phẩm gỗ của thế giới. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) nhận định, trong bối cảnh hiện nay, ngành gỗ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) cần chung tay giải quyết.
 
Trong ba thị trường xuất khẩu đồ gỗ chính của Việt Nam (Mỹ, EU, Nhật Bản) thì thị trường Nhật Bản đang giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng của trận động đất - sóng thần hồi tháng 3 vừa qua, Tuy nhiên, nước này đang cần nhập khẩu nhiều sản phẩm gỗ có phẩm cấp thấp hơn trước để đáp ứng nhu cầu tái thiết vùng thiên tai. Ðể đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, Việt Nam phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ nguyên liệu. Thống kê cho thấy, bảy tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu khoảng 717 triệu USD, dự báo cả năm là 1 tỷ USD. Giá gỗ nguyên liệu trên thế giới liên tục tăng trong khi giá xuất khẩu không tăng bởi nhiều đơn hàng đã ký từ năm trước. Việc thực hiện các đơn hàng trong nửa đầu năm 2011 đỡ khó khăn hơn do gỗ nguyên liệu được nhập khẩu từ cuối năm trước, những đơn hàng nửa cuối năm 2011 sẽ khó khăn do giá nguyên liệu đã tăng hơn. Việc nhập khẩu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng không đồng đều, việc chứng nhận nguồn gốc gỗ phức tạp và tốn kém trong thời buổi các thị trường lớn đang siết chặt quản lý và kiểm soát
 
nguồn gốc, xuất xứ gỗ, đặc biệt là Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT) của EU hay Ðạo luật Lacey của Mỹ.
 
Trong khi đó, nguồn gỗ nguyên liệu trong nước nhỏ lẻ, phân tán, chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Hiện cả nước có khoảng 3,1 triệu ha rừng trồng, trong đó khoảng 900 nghìn ha đến thời kỳ khai thác, chủ yếu phục vụ làm nguyên liệu cho bột giấy, dăm mảnh, ván nhân tạo. Do đó phần lớn gỗ khai thác loại này có đường kính thân nhỏ. Loại đường kính thân to để làm đồ mộc chỉ chiếm 10%. Ðặc điểm chung của rừng trồng trong nước là quy mô hộ gia đình cho nên thiếu vốn và kỹ thuật, giống chất lượng thấp dẫn đến năng suất, chất lượng và giá bán đều thấp. Thí dụ, rừng bạch đàn trong nước đến kỳ khai thác chỉ đạt đường kính thân 18 đến 20 cm, trong khi chỉ số này ở Bra-xin, Nam Phi đạt tới 40 đến 50 cm; hoặc một ha rừng chỉ cho năng suất 100 m3 gỗ nhưng ở các nước này lên tới 700 m3 (với thời gian trồng lâu hơn). Các DN trong nước cũng rất khó khăn trong việc thu mua vì nguồn rừng nhỏ lẻ, phân tán, do đó hầu hết thương nhân thâm nhập mua gom bán cho các đối tượng khác. Ngoài ra, chi phí đầu vào của ngành gỗ
 
tăng như giá xăng dầu, than, điện, phí vận chuyển tăng làm tăng chi phí sản xuất; lãi suất vay vốn của ngân hàng ở mức cao, lượng vốn vay thiếu và không kịp thời, giá mua bán ngoại tệ của ngân hàng đối với DN còn bất cập...
 
Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, các DN thành viên VIFORES đang tập trung vào: dừng và tạm hoãn xây dựng mới các công trình xây dựng cơ bản và mua sắm trang bị, dây chuyền mới. VIFORES khuyến khích các DN gỗ sử dụng gỗ rừng trồng trong nước để thay thế dần gỗ nhập khẩu. Tiết kiệm nguyên liệu gỗ bằng việc sử dụng trang thiết bị tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu và tận thu phế liệu để sản xuất thành sản phẩm có giá trị. Trước đây, một cây gỗ chỉ sử dụng được 65% khối lượng thì nay, nhiều DN đầu tư máy móc hiện đại (máy cưa CNC) thì có thể tăng mức này lên 80 đến 85%, thậm chí là 90%. Các DN đang chủ động xây dựng định mức nội bộ và quy trình quản lý sản xuất theo hướng chuyên môn cao.
 
Tìm mọi giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành gồm giảm chi phí điện, nước, xăng dầu, chi phí hành chính, và nhất là giảm mức tiêu hao nguyên liệu hơn 1 m3 sản phẩm. Ðẩy mạnh việc thâm nhập các thị trường theo hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) để tận dụng các ưu đãi về thuế và mở cửa thị trường. Tìm những cơ hội mới tại các thị trường đang gặp khó khăn về thiên tai hoặc thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi từ các loại sản phẩm cao cấp xuống loại trung bình. Các DN cũng nỗ lực giảm chi phí bán hàng (quảng cáo, tiếp thị, bao bì) hiện đang chiếm tới 10 đến 13% giá thành sản phẩm. Hiện các thành viên hiệp hội đang tích cực đàm phán và nhận được sự hợp tác, chia sẻ những chi phí này từ phía đối tác nước ngoài. Về bao bì, các DN trong nước đang tích cực thay thế bằng những nguyên liệu chi phí thấp hơn nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu, được phía khách hàng chấp nhận.
 
Ðể giải quyết bài toán nguyên liệu, hiệp hội cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô đủ lớn gắn với các nhà máy chế biến gỗ nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển nguyên liệu. Ðầu tư các giải pháp khoa học công nghệ, nghiên cứu, tuyển chọn giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu. Ðầu tư thích ứng với công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giống, kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng cho người tham gia trồng rừng thông qua chương trình khuyến lâm. Các DN chế biến gỗ cùng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư, trồng rừng nguyên liệu để có nguồn gỗ ổn định. Một số diện tích rừng trồng hiện nay đến thời kỳ khai thác nếu để thêm hai đến ba năm thì có thể cho nguồn gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc. Cần giảm dần lượng gỗ nhập khẩu, tăng dần việc sử dụng gỗ trong nước. Nghiên cứu xây dựng thí điểm trung tâm giao dịch
gỗ tại Việt Nam.
 
Ngành gỗ là ngành có lợi thế cạnh tranh cao, do đó VIFORES kiến nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho một dự án đánh giá toàn diện việc nhập khẩu gỗ hiện nay, từ đó có chính sách chỉ đạo nhập khẩu gỗ an toàn và hiệu quả. Chỉ đạo các ngân hàng cho DN chế biến gỗ được vay với lãi suất ổn định trong thời gian dài; thống nhất giá bán, mua ngoại tệ; có đủ nguồn vốn vay theo yêu cầu của DN. Ðối với các chính sách thuế, Nhà nước cần xem xét giảm dần thuế tài nguyên đối với nguồn gỗ khai thác trong nước. Ðối với rừng tự nhiên, Hiệp hội ủng hộ Nhà nước đánh thuế cao (đang ở mức từ 40 đến 50%), song hiện nay, trên thực tế, tại nhiều khu rừng tự nhiên, có nhiều khu vực đã khai thác và tư nhân đã đầu tư để trồng rừng làm gỗ nguyên liệu. Do đó những diện tích này khi khai thác cũng cần được giảm thuế để khuyến khích trồng rừng.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ gỗ. Ðối với việc tăng giá bán điện cho sản xuất cần có lộ trình cụ thể để DN biết và xây dựng kế hoạch thích ứng, việc cắt điện luân phiên cần quy định rõ thời lượng cụ thể và thời gian cắt điện để DN chủ động bố trí sản xuất, kinh doanh; sớm ban hành quy định cụ thể việc giãn nộp thuế thu nhập DN; khẩn trương kiểm tra, rà soát việc thu phí hoạt động xuất khẩu của các DN gỗ.
 
Theo Nhandan

Tin liên quan