10/09/2011 17:31:55
Cùng tiếp Đoàn đại biểu liên Bộ Lào còn có đại diện các Vụ: Hợp tác quốc tế, Năng lượng và Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Vượng đã giới thiệu với Đoàn đại biểu Lào về tình hình phát triển thủy điện ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Theo đó, Việt Nam có tiềm năng thủy điện khá lớn, tập trung ở vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này sẽ góp phần đảm bảo an ninh, an toàn năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch, năng lượng không tái tạo ngày càng suy giảm, cạn kiệt, qua đó cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp của các tỉnh trong khu vực này.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đa dạng hóa các thành phần kinh tế và hình thức đầu tư các dự án, nhằm tổ chức thực hiện các dự án thủy điện vừa và nhỏ, Bộ Công Thương đã ban hành Quy định về quản lý đầu tư xây dựng các dự án điện độc lập.
Đến nay, Bộ Công Thương đã thỏa thuận hoặc phê duyệt Quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố trên cả nước với 883 dự án có tổng công suất lắp máy 5.880,2 MW.
Trên cơ sở các Quy hoạch được phê duyệt, việc triển khai thực hiện các dự án tuân thủ các quy định về quản lý, đầu tư xây dựng công trình và các quy định khác có liên quan. Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, với các dự án thủy điện vừa và lớn, hầu hết do EVN và các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của Nhà nước có kinh nghiệm đầu tư xây dựng, các dự án thủy điện nhỏ chủ yếu do tư nhân đầu tư.
Theo tiến độ thực hiện các dự án, đến nay cả nước đã đưa vào vận hành 35 nhà máy thủy điện quy mô vừa và lớn trên cả nước với tổng công suất lắp máy trên 8400 MW (chiếm trên 30% tổng công suất của hệ thống điện), còn lại là các nhà máy điện chạy than, chạy khí. Đối với các dự án thủy điện nhỏ, đến cuối năm 2010, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trên 100 dự án với tổng công suất lắp máy trên 1000 MW.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng giới thiệu với đoàn đại biểu Lào Nghị định số 99/2010/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 99) của Chính phủ Việt Nam về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mục đích của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là tạo cơ chế tài chính mới cho công tác bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc chi trả bằng nguồn tiền uỷ thác của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng trả cho bên cung ứng; cải thiện thu nhập của những đối tượng trực tiếp lao động bảo vệ và phát triển rừng bằng kết quả lao động để cung ứng dịch vụ môi trường rừng của chính họ; xã hội hoá công tác bảo vệ và phát triển rừng theo nguyên tắc những người sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền cho những người cung ứng dịch vụ môi trường rừng nhằm góp phần bảo vệ rừng tốt hơn. Đối tượng áp dụng của Nghị định 99 gồm tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến cung ứng, sử dụng và chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là 20 đồng/1kwh.
Thay mặt Đoàn đại biểu liên Bộ Lào, đồng chí Ty Phommasck cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương đã dành nhiều tình cảm và sự giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần đối với đất nước và nhân dân các bộ tộc Lào. Đồng chí cũng đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó có hoạt động phát triển thủy điện. Từ những kinh nghiệm này, tuỳ thuộc vào khả năng và yêu cầu của nhiệm vụ, Chính phủ Lào sẽ nghiên cứu để vận dụng cho phù hợp và sẽ đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ xây dựng phát triển hệ thống thủy điện của Lào.
Theo Bộ Công Thương