Bạn đang ở đây

Bộ Công Thương họp giao ban trực tuyến công tác tháng 5 năm 2011

10/09/2011 17:16:57

 

Tham dự cuộc họp giao ban trực tuyến có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện một số Sở Công Thương và đại diện các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trực thuộc Bộ.
 
Hội nghị đã được nghe Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 5 và 5 tháng năm 2011; Báo cáo Sơ kết 3 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; và Báo cáo đánh giá thực hiện chương trình công tác 5 tháng của Bộ Công Thương.
 
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 5 ước đạt 74,0 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng ước đạt 343,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,2%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 17,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9%.
 
Về tình hình sản xuất và cung ứng điện, sản xuất điện tháng 5 ước đạt 8,57 tỷ kWh, tăng 8,8% so với tháng 5/2010; tính chung 5 tháng ước đạt 39,37 tỷ kWh, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương theo Thông báo số 194/TB-BCT ngày 28/4/2011, trong tháng 5 không thực hiện điều hòa, tiết giảm điện trên phạm vi toàn quốc nên ngành điện vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho các hộ trong nước. Tháng 5 ước đạt 7,33 tỷ kWh, giảm 4,7% so với tháng 4 nên tính chung 5 tháng ước đạt 36,5 tỷ kWh, tăng 11,2% so với cùng kỳ.
 
Về tình hình xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng 4 và tăng 18,8% so với tháng 5/2010. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,75 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ.
 
Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 5 ước đạt 9,2 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng 4 và tăng 27,7% so với tháng 5/2010; tính chung 5 tháng ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ.
 
Xét theo nhóm hàng, so với cùng kỳ, nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 34,9% và chiếm tỷ trọng 84,8% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng cần kiểm soát tăng 0,4% và chiếm tỷ trọng 4,7%; nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng 13,8% và chiếm tỷ trọng 6,0%; hàng hóa khác tăng 2,7% và chiếm tỷ trọng 4,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.
 
Nhập siêu 5 tháng ước gần 6,6 tỷ USD, chiếm hơn 18,9% kim ngạch xuất khẩu.
 
Thị trường hàng hóa trong nước tháng 5 ổn định, giá cả một số mặt hàng thiết yếu chững lại và giảm dần. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 5 ước đạt 156 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng 4; tính chung 5 tháng ước đạt 762,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ.
 
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tuy có giảm nhưng vẫn tăng ở mức cao 2,21% so với tháng 4 và tăng 19,78% so với tháng 5/2010; so với tháng 12/2010 tăng 12,07%.
 
Về tình hình quản lý thị trường, trong tháng 5 đã kiểm tra 14.435 vụ và xử lý 5.446 vụ vi phạm (trong đó 931 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 876 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 3.319 vụ kinh doanh trái phép và vi phạm khác; 805 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá) với số thu là 19,07 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng kết luận cuộc họp G/ban tháng 5.
 
Phát biểu kết luận cuộc họp giao ban tháng 5, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tăng cường phối hợp, chủ động và linh hoạt trong xử lý nhiệm vụ được giao; tăng cường nắm bắt thông tin từ các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để chủ động xử lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, theo dõi sát biến động thị trường thế giới cũng như trong nước để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu; thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu.
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục rà soát các chương trình, dự án đầu tư; xây dựng nguyên tắc, quy trình kiểm soát hàng hóa, vật tư, thiết bị của các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được; sắp xếp lại các dự án, các nhiệm vụ chi để tiết kiệm 10% chi thường xuyên; tiếp tục thực hiện các đề án đã nêu trong chương trình công tác của Bộ. Đồng thời, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Công Thương, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường; tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn để góp phần bình ổn thị trường.
 
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện việc tiết kiệm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện tiết kiệm điện cần được thực hiện lâu dài, trở thành một chương trình thường xuyên để tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân. Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.
 
Trong mùa mưa bão sắp tới, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các địa phương chú trọng an toàn; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, Sở Công Thương có phương án dự trữ hàng hóa để cung cấp cho người dân đề phòng khi xảy ra thiên tai, kiểm tra, kiểm soát, khắc phục sự cố kịp thời, v.v...
 
Trong công tác thông tin, tuyên truyền, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền những chủ trương chính sách của Nhà nước, thông tin về diễn biến của thị trường tới người dân, nhằm tạo sự đồng thuận giữa nhân dân và cơ quan quản lý nhà nước.
 
Theo Bộ Công Thương