Theo đó, các nội dung trong khuôn khổ hoạt động trợ giúp đào tạo bao gồm: Điều tra, khảo sát nhu cầu trợ giúp đào tạo, đánh giá tác động hiệu quả của hoạt động trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng, biên soạn, bổ sung, in ấn tài liệu cơ bản phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các khóa/lớp đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v ...
Hoạt động trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hóa.
Kinh phí để thực hiện hoạt động trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định bao gồm:
1. Ngân sách Trung ương:
- Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng, biên soạn, bổ sung, in ấn tài liệu cơ bản và các tài liệu chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp đào tạo thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, đánh giá tác động và hiệu quả của hoạt động trợ giúp đào tạo;
- Hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do các Bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội thực hiện.
2. Ngân sách địa phương:
- Hỗ trợ 100% kinh phí khảo sát, đánh giá nhu cầu trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương;
- Hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc nhiệm vụ của địa phương.
3. Đối với trường hợp huy động được nguồn tài trợ để thực hiện các hoạt động trong một số trường hợp nhất định thì phải giảm trừ tương ứng phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động đó.
Danh mục nội dung các khoản chi do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần được Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC quy định bao gồm: (i) Chi cho giảng viên; (ii) chi cho học viên; (iii) chi tổ chức lớp học; (iv) chi hỗ trợ tiền ăn, ở, chi phí đi lại cho học viên thuộc địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, v.v ...
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức trên các hình thức: (i) Trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo; (ii) lựa chọn các cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành để thực hiện đào tạo bồi dưỡng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2011.
Chi tiết Thông tư xem tại đây.
Vụ Pháp chế