09/09/2011 16:16:43
Các mục tiêu định hướng cho giai đoạn 2011-2020
- Tăng số lượng, tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu và nâng dần thị phần tiêu thụ những sản phẩm này trên thị trường thế giới.
- Tăng số doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
- Xây dựng một số doanh nghiệp và sản phẩm có thương hiệu trên thị trường thế giới.
- Tăng tỷ trọng đóng góp của công nghệ, vốn con người vào tăng trưởng.
- Tăng số doanh nghiệp, ngành có những sản phẩm có giá trị gia tăng cao bằng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Một số giải pháp chủ yếu
- Ổn định kinh tế vĩ mô: Điều hành một cách đồng bộ, hệ thống, linh hoạt và hiệu quả các chính sách tài khoá, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo kiểm soát lạm phát và những cân đối lớn trong nền kinh tế về tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng, tài chính, tín dụng, xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán..., cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Tăng cường cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo, tăng cường, tập trung nguồn lực ngân sách nhà nước kết hợp với tăng cường xã hội hoá, huy động các nguồn lực cho phát triển hệ thống giáo dục, hỗ trợ kinh phí giáo dục, đào tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ cho các đối tượng hộ nghèo, v.v...
- Tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ.
- Chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế, tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, tỷ trọng giá trị tăng cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên.
- Phát triển vùng kinh tế, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, tập trung phát triển một số vùng kinh tế trọng điểm, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, đặc khu kinh tế có lợi thế so sánh về địa kinh tế kết hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành.
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai áp dụng nghiêm hệ thống quy định các yêu cầu bắt buộc về công nghệ, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo kỹ năng cho người lao động Việt Nam.
- Đẩy mạnh phát triển hệ thống doanh nghiệp, có cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.
- Đẩy mạnh phát triển các thị trường nhân tố sản xuất như lao động, công nghệ, vốn, đất đai, v.v...
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, thể chế, phân cấp, biên chế và tiền lương.
Nhiệm vụ của Bộ Công Thương
- Đề án nêu rõ các Bộ, cơ quan ngang Bộ quán triệt tinh thần của Đề án, phổ biến tới các đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân để hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế phù hợp với các đặc điểm và điều kiện của Bộ, ngành, địa phương.
- Tại Phụ lục kèm Đề án nêu rõ Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Đề án trình Chính phủ tháng 12/2011 với nội dung chọn ra khoảng 10 ngành công nghiệp để chuyển đổi cơ cấu nhằm tăng năng lực cạnh tranh.
Chi tiết Quyết định xem tại đây.
Vụ Pháp chế