Bạn đang ở đây

Bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường những tháng cuối năm

09/09/2011 16:09:54
Tham gia hội nghị có lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các UBND, Sở Công Thương một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các doanh nghiệp lớn tham gia chương trình bình ổn thị trường như: Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co-op), Tổng công ty Thương mại Sài gòn (Satra), Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam...
 
Không để xảy ra hiện tượng "sốt" giá
 
Mặc dù những tháng gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng tăng thấp dần, nhưng tháng 9/2010, CPI đột ngột tăng cao, lên mức 1,31% so với tháng trước đưa tổng mức CPI 9 tháng đầu năm lên 6,46%. Như vậy, so với mục tiêu Quốc hội đặt ra (CPI năm 2010 khống chế ở mức 8%) thì 3 tháng còn lại phải khống chế CPI ở mức 1,54%, trong khi, theo quy luật hàng năm CPI thường tăng cao ở những tháng cuối năm. Mối lo ngại lạm phát cao có thể quay trở lại nếu không có biện pháp kịp thời nhằm ổn định giá tiêu dùng. 
 
Vì thế, các ý kiến tại hội nghị đã tập trung làm rõ những vấn đề chủ yếu trong công tác bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu, các biện pháp bảo đảm cân đối cung- cầu. Trong đó, nhiệm vụ điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá là nhiệm vụ quan trọng
 
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, 9 tháng đầu năm nay nhằm đảm bảo đảm cung- cầu và bình ổn thị trường, nguồn cung hàng hóa luôn được bảo đảm, không có hiện tượng thiếu hàng ở tất cả các nhóm hàng thiết yếu.
 
Thông qua hoạt động Tổ Điều hành thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, tập đoàn, tổng công ty theo dõi, phân tích, đánh giá, dự báo cung cầu, giá cả các mặt hàng trọng yếu trên thị trường. Định kỳ hàng tháng, Tổ điều hành thị trường trong nước đều lập báo cáo phân tích, đánh giá và dự báo về quan hệ cung- cầu thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu.
 
Bộ Công Thương thường xuyên rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh, bổ sung kịp thời, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đấy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và các hiệp hội theo dõi sát diễn biến của thị trường trong nước.
 
Nhờ có sự phối hợp tốt giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương nên trong 9 tháng qua, một số biến động gây ảnh hưởng xấu trên thị trường đã được các ngành, địa phương xử lý kịp thời. Đơn cử như hiện tượng sốt giá thép hồi tháng 4, nhờ việc thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bảo đảm nguồn cung trên thị trường, đồng thời triển khai kiểm tra giá gắt gao, hiện tượng đầu cơ, găm hàng thép xây dựng đã được giải quyết.
 
Tương tự, cuối tháng 6 đầu tháng 7, nguồn cung đường trong nước giảm sút đúng dịp Tết Trung thu nhưng thị trường đã được bình ổn nhờ việc nhập khẩu bổ sung đường theo hạn ngạch thuế quan lần 2. "Cơn sốt gạo  ảo"  qua đường xuất khẩu tiểu ngạch xảy ra đầu tháng 8 đã được xác minh, thông tin kịp thời để có giải pháp xử lý, dập tắt sớm…
 
Công tác kiểm tra kiểm soát thị trường được đặc biệt chú trọng. Trong 8 tháng đầu năm 2010, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã xử lý 50.896 vụ vi phạm, trong đó 10.383 vụ buôn lậu, 11.044 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 3.774 vụ vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá, 25.584 vụ vi phạm khác; với tổng số thu trên 178,2 tỷ đồng.
 
Bảo đảm cung- cầu là quan trọng nhất
 
Báo cáo về tình hình cân đối cung- cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đường, phân bón, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần, cho biết: Nguồn tồn kho các mặt hàng này đều bảo đảm, khá dồi dào. Tuy nhiên, đối với mặt hàng thịt tươi sống, nhất là thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tai xanh nên một số địa phương có thể thiếu cục bộ, vì thế cần chú trọng vào việc phục hồi đàn lợn. Thứ trưởng kiến nghị, để đảm bảo nguồn cung phân bón, đề nghị hạn chế xuất khẩu nguồn phân bón sản xuất trong nước; xem xét giảm thuế nhập khẩu ưu đãi một số loại phân bón mà vừa qua Bộ Tài chính đã tăng mức thuế từ 5 lên 6,5%.
 
Đối với mặt hàng xi măng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, nguồn cung xi măng khá đảm bảo, mỗi năm sản lượng đều tăng 10%, đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí năm nay lần đầu tiên đã xuất khẩu được 400.000 tấn xi măng. Tuy nhiên, để giữ ổn định giá xi măng, Thứ trưởng đề nghị từ nay đến cuối năm không tăng giá than bán cho sản xuất xi măng.
 
Theo báo cáo của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, hệ thống bán lẻ Hapro và Saigon Co-op, nguồn dự trữ xăng dầu, thép xây dựng, lương thực, thực phẩm… đều khá bảo đảm.
 
Như vậy, tính đến thời điểm này, cân đối nguồn cung 12 mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, đường, muối, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thép xây dựng, xi măng, giấy, xăng dầu, than, thuốc chữa bệnh) cho 3 tháng cuối năm và tháng Tết Nguyên đán 2011 đã được bảo đảm, hàng hóa không thiếu.
 
Phát huy biện pháp bình ổn giá
 
Theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong tháng 9/2010 có 2 nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao, đó là các địa phương đồng loạt tăng học phí (góp phần làm CPI tăng thêm 0,7%) và việc thực hiện chính sách nâng giá thu mua lương thực để cho người nông dân có lợi (góp phần làm CPI tăng thêm 0,3%). Hai yếu tố trên làm CPI tăng thêm 1%. Vì thế, CPI tháng 9 tăng 1,31% là hợp lý, chúng ta nên bình tĩnh để kiểm soát, điều hành giá những tháng cuối năm.
 
Tuy nhiên giá cả những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn những yếu tố tăng giá: Trước hết là tâm lý của người tiêu dùng mỗi khi có thông tin giá cả một số vật tư, hàng hóa trên thị trường thế giới và trong nước tăng cao gây áp lực đến mặt bằng giá trong nước; tình trạng thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá; thiên tai, bão lũ, dịch bệnh... Ngoài ra, theo quy luật hàng năm, nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho Tết Nguyên đán thường tăng cao, lượng tiền cung ứng ra lưu thông nhiều hơn...
 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Thế Phương thì cho rằng, cơ bản hàng hóa không thiếu nhưng do hệ thống phân phối nếu qua nhiều tầng nấc làm giá hàng hóa bị đẩy lên khi đến tay người tiêu dùng. Vì thế, các ngành hàng cần chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới lưu thông. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn kinh doanh các mặt hàng thiết yếu cũng cần chủ động dự trữ hàng hóa cho những tháng cao điểm.
 
Thứ trưởng Phương đề nghị không tăng giá điện, giá than bán cho điện và các hộ sản xuất lớn xi măng, giấy, phân bón trong những tháng cuối năm. Đối với mặt hàng xăng dầu cần dãn thời gian điều chỉnh giá.
 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực trong các biện pháp bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhất là biện pháp của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương nên học tập kinh nghiệm của hai thành phố lớn, chủ động ngân sách theo nguồn lực của từng địa phương để ổn định giá trong những tháng cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán 2011.
Giải pháp cho những tháng cuối năm
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, 3 tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2011, theo quy luật giá cả sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, từ giờ đến cuối năm còn nhiều vấn đề nảy sinh, đặc biệt là thiên tai, bão lũ. Hiện nay khô hạn, thiếu nước xảy trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp cũng như sản xuất điện. Dự báo, trong 3 tháng còn thiếu gần 200 KWh. Nếu tình hình nước về các thủy điện không cải thiện hơn thì từ nay đến cuối năm chúng ta phải có giải pháp tiết kiệm 2 tỷ KWh dành cho vụ đổ ải năm 2011. Việc thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất- nguồn cung hàng hóa, vì thế các địa phương cần lưu ý tích nước các tại hồ và sử dụng tiết kiệm.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thống nhất 5 giải pháp mà Bộ Công Thương đưa ra:
 
Một là, khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu.
 
Hai là, các đơn vị thuộc Bộ là chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để đưa vào sản xuất, tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường.
 
Ba là, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường; tiếp tục phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.
 
Bốn là, tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm,... đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.
 
Năm là, thông qua các ấn phẩm, trang web và bản tin công thương, kịp thời thông tin về chủ trương, chính sách, quy định về kinh doanh của nhà nước, thị trường, giá cả, tình hình phát triển của ngành, các giải pháp điều hành của Chính phủ nhằm hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp sức ổn định thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa.
 
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương tập trung đảm bảo cung cầu điện, theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa thiết yếu ở tầm vĩ mô, dự báo sớm thị trường, thông tin kịp thời, hỗ trợ việc triển khai hệ thống phân phối bán lẻ cho các địa phương. Về dài hạn, Bộ Công Thương cần xây dựng quy chế thực hiện việc bình ổn giá cả thị trường.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý vấn đề lương thực, thực phẩm cuối năm, có giải pháp khôi phục đàn gia súc, sản xuất nông nghiệp trong mùa bão lũ, phòng chống dịch bệnh, chú ý mặt hàng gạo, thịt lợn và muối. Trong mùa xây dựng tới, dù nguồn cung đảm bảo nhưng Bộ Xây dựng cần lưu ý chỉ đạo xử lý vấn đề sốt giá cục bộ.
 
Theo baocongthuong