31/08/2011 16:08:57
Năm 2008, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, tiền vốn, giá cả thị trường... nhưng Yên Bái vẫn có một vụ chè thắng lợi. Tổng diện tích chè trồng mới, trồng thay thế đạt 573,5 ha, đưa diện tích chè toàn tỉnh lên 12.637 ha, trong đó có 10.854 ha chè kinh doanh. Sản lượng chè búp tươi đưa vào chế biến đạt 83.300 tấn (tăng 13.000 tấn so với năm 2008); các nhà máy thu mua hết chè búp tươi cho dân với giá bình quân từ 2.500 đến 2.800 đồng/kg. Tổng giá trị sản phẩm chè búp tươi ước đạt 208 tỷ đồng, tăng 40 tỷ đồng so với năm 2008. Tổng sản lượng chè chế biến đạt 20.220 tấn, đạt giá trị 360 tỷ đồng.
Năm 2009, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới và cải tạo 510 ha chè, sản xuất 80 tấn chè búp tươi và chế biến, tiêu thụ 18.000 tấn chè khô các loại. Đây là một mục tiêu không dễ thực hiện bởi thị trường tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, trong khi giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, điện, than đều tăng hơn trước.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, giải pháp chủ yếu trong năm 2009 là: giữ vững thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu; quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước; nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến bảo đảm sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, giá thành hạ và sức cạnh tranh cao; tăng cường quản lý, bảo vệ vùng nguyên liệu.
Các đại biểu dự Hội nghị đã tập trung thảo luận về những vấn đề bức thiết đối với ngành chè hiện nay như: đề nghị tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại; hỗ trợ người trồng chè như chính sách đối với người trồng sắn; có các giải pháp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chè dễ tiếp cận với chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và của tỉnh; loại bỏ những doanh nghiệp chế biến chè với dây chuyền lạc hậu, sản phẩm kém chất lượng, mua chè già...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2008, Yên Bái đã có được một vụ chè thắng lợi cả về diện tích, năng suất, sản lượng thu hái và chế biến. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn còn một số tồn tại như đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến rất chậm dẫn đến sản phẩm làm ra chất lượng thấp, sức cạnh tranh kém; sản phẩm chế biến chủ yếu là sơ chế nên giá trị thương mại không cao; vẫn tồn tại khá phổ biến việc thu hái chè không đúng kỹ thuật.
Năm 2009 là năm phấn đấu mục tiêu “Năm chất lượng của ngành chè Yên Bái”, tỉnh phấn đấu giữ vững vùng chè nguyên liệu, không để chè bỏ hoang hoặc chuyển đổi cây trồng khác; việc trồng mới phải coi trọng giống mới, trồng tập trung, gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu cho chế biến. Riêng việc thu hái, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp thu mua đúng chất lượng, không thu mua chè già, chè “liềm” và yêu cầu ngành nông nghiệp - PTNT và công thương tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện cơ sở nào mua chè già, chè “liềm” để sản xuất chè kém chất lượng thì cương quyết đình chỉ sản xuất.
Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc tìm kiếm thị trường cả trong và ngoài nước để tiêu thụ hết sản phẩm làm ra..., phấn đấu một vụ chè thắng lợi trong bối cảnh ngành chè và các ngành kinh tế đang phải đương đầu với khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Lê Phiên