Bạn đang ở đây

Giới thiệu quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình XTTM QG

31/08/2011 15:15:46
Mục tiêu chính của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia là nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu, thị trường trong nước, thương mại miền núi, biên giới và hải đảo; Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; Gắn kết các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch.
 
Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình XTTMQG được xây dựng dựa trên việc tiếp thu những nội dung phù hợp đã được thực thi tốt trong giai đoạn vừa qua đồng thời sửa đổi những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn; nghiên cứu, tham khảo quy định và nội dung XTTM của các nước, đề ra nội dung, giải pháp phù hợp với thông lệ quốc tế, áp dụng phương thức hỗ trợ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
 
Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia gồm 4 chương 20 điều, gồm các điểm đáng chú ý sau:
 
1. Về nội dung Chương trình: Quy chế mới kết hợp cả nội dung Chương trình XTTM định hướng xuất khẩu, Chương trình XTTM thị trường trong nước và Chương trình XTTM miền núi, biên giới và hải đảo với nhiều nội dung mới. Quy chế cũng quy định chi tiết và cụ thể hơn nội dung hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các Đơn vị chủ trì Chương trình có thể xây dựng, triển khai đề án hiệu quả hơn.
 
2. Về kinh phí thực hiện chương trình: Nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ cho Chương trình được giao cho Bộ Công Thương ngay từ đầu năm nằm trong tổng dự toán chi ngân sách hàng năm của Bộ Công Thương. Điều này sẽ tạo điều kiện đẩy nhanh việc phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai đề án của các đơn vị chủ trì, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể tích cực tham gia các hoạt động XTTM ngay từ đầu năm như thông lệ quốc tế, tăng cường được hiệu quả Chương trình XTTMQG, giúp doanh nghiệp tận dụng được thêm nhiều các cơ hội kinh doanh.
 
3. Về mức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ: điều kiện hỗ trợ được cụ thể hoá và tăng mức hỗ trợ đối với những nội dung khuyến khích thực hiện như đón đoàn nhập khẩu vào Việt Nam mua hàng. Quy chế cũng quy định các điều kiện cụ thể, chặt chẽ hơn đối với việc xây dựng và phê duyệt đề án để tăng cường hiệu quả và chất lượng hoạt động XTTM ở nước ngoài.
 
4. Về trình tự, thủ tục xây dựng, tiếp nhận, đánh giá, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và chấm dứt thực hiện đề án XTTMQG: Điểm mới của Quy chế là việc tạo điều kiện phê duyệt và thực hiện các đề án dài hạn. Đối với các đề án mà quá trình thực hiện kéo dài qua 2 năm tài chính, Bộ Công Thương sẽ xem xét phê duyệt về nội dung 1 lần và cấp kinh phí hỗ trợ từng năm, theo tiến độ được phê duyệt trong đề án. Việc này cũng tạo điều kiện thời gian để đơn vị chủ trì Chương trình có thời gian chuẩn bị kỹ cho việc thực hiện những đề án đầu năm ngay từ năm trước năm kế hoạch.
 
Quy chế quy định cụ thể hơn các trường hợp điều chỉnh và chấm dứt việc thực hiện đề án nhằm ràng buộc thêm trách nhiệm của các đơn vị chủ trì Chương trình trong việc triển khai và quản lý thực hiện các đề án XTTM. Đối với kinh phí còn dư từ việc điều chỉnh hoặc chấm dứt thực hiện đề án, đồng thời tạo điều kiện để Bộ Công Thương thực hiện việc điều chuyển kinh phí còn dư từ việc điều chỉnh để phê duyệt các đề án mới.
 
5. Đối với hoạt động xúc tiến thương mại của các địa phương: Chính phủ giao Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quy chế xây dựng nội dung xúc tiến thương mại và mức hỗ trợ kinh phí phù hợp với thực tế của địa phương. Nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại của các địa phương được thực hiện trực tiếp từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét phê duyệt các đề án xúc tiến thương mại thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thực hiện tại địa phương có hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
 
Việc ban hành Quy chế Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia sẽ giúp đạt được hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và phát triển thị trường trong nước; góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Việc đơn giản hoá về thủ tục hành chính cho đơn vị chủ trì Chương trình và doanh nghiệp, đơn vị tham gia Chương trình sẽ giúp phục vụ cộng đồng doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Thông qua Chương trình XTTM quốc gia, dự kiến sẽ có hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong cả nước đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội được tham gia nhiều nội dung xúc tiến thương mại đa dạng, phong phú và đạt nhiều kết quả. Trong giai đoạn 2006-2010, Bộ Công Thương đã phê duyệt tổng cộng 669 đề án với tổng kinh phí là 620,2 tỷ đồng. Tính đến năm 2009, đã có 18.033 lượt doanh nghiệp tham gia các đề án thuộc chương trình XTTMQG, ký kết được 8.932 hợp đồng và biên bản ghi nhớ trị giá 2.431 triệu USD.
 
Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 đồng thời được áp dụng cho việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011. Chi tiết quyết định  (đính kèm)