Bạn đang ở đây

KẾT QUẢ ĐIỂU TRA, KHẢO SÁT THỊ TRƯỜNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC NĂM 2009

31/08/2011 15:11:45
Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến nay, kim ngạch xuất khẩu đã biểu hiện sự sụt giảm. Ngược lại, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước vẫn đạt được mức tăng khá. Vì thế, “thị trường nội địa” hiện nay lại trở thành vấn đề mà nhiều chuyên gia, nhà quản lý về kinh tế quan tâm nhiều nhất, nhiều hội thảo, hội nghị, bài viết đã được đăng tải với nhan đề “trở về thị trường nội địa”, “chiếm lĩnh thị trường nội địa”, “thị trường nội địa đang bị sao nhãng”, “doanh nghiệp Việt bỏ quên thị trường nội địa”,…
 
Mức tăng trưởng khá của tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đặt ra vấn đề “chiếm lĩnh thị trường nội địa” với chính các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể ngay lập tức quay lại chiếm lĩnh thị trường nội địa. Bởi vì việc tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nào đó đối với bất kỳ doanh nghiệp nào cũng là một quá trình từ việc nghiên cứu nhu cầu, thiết kế sản phẩm và định mức giá phù phù hợp với nhu cầu, xây dựng kênh phân phối và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phần lớn có qui mô vừa và nhỏ đã tập trung hầu hết năng lực cho mục tiêu xuất khẩu. Do đó, hoặc là các doanh nghiệp này không có những sản phẩm với mức giá phù hợp với thị trường nội địa, hoặc có những sản phẩm phù hợp, nhưng chưa tổ chức được các kênh phân phối hay liên kết được với các doanh nghiệp phân phối trên thị trường trong nước. Đồng thời, chính các doanh nghiệp phân phối trên thị trường trong nước với qui mô vừa và nhỏ cũng  chưa thực sự tạo lập được hệ thống phân phối mạnh trên thị trường. Thêm vào đó, thực tế trong cả thời kỳ dài vừa qua, người tiêu dùng trong nước lại hiểu biết về thương hiệu, gía cả, chất lượng và mẫu mã của hàng hoá nhập khẩu hơn là hàng hoá sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp trong nước sẽ không chỉ phải tăng chi phí quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mà còn phải cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu giá rẻ, do tác động của khủng hoảng kinh tế, từ các nước trong khu vực ASEAN và đặc biệt là từ Trung Quốc.
 
Hiện nay, hệ thống phân phối trên thị trường trong nước chưa thực sự được chú trọng đầu tư phát triển trong thời gian dài và các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam vẫn chủ yếu có qui mô vừa và nhỏ. Vì vậy, việc phát triển hệ thống phân phối trên thị trường trong nước cần có sự hỗ trợ của Nhà nước phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và những cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
 
Để tổ chức và phát triển thị trường nội địa, rất nhiều chương trình, đề án được Chính phủ thông qua, trong đó “Xúc tiến thị trường thương mại nội địa năm 2009” là một trong số những chương trình đó và Bộ Công Thương là cơ quan quản lý chuyên ngành được Chính phủ giao triển khai thực hiện.
 
“Điều tra, khảo sát thị trường trong nước năm 2009” là một trong những nhiệm vụ của Chương trình "Xúc tiến thị trường thương mại nội địa năm 2009” Bộ Công Thương đã giao Viện Nghiên cứu Thương mại tổ chức và triển khai với mục đích bước đầu cung cấp thông tin để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, chiến lược kinh doanh, marketing và mạng lưới bán hàng của mình trong thời gian tới. Cuộc điều tra được thực hiện dựa trên những căn cứ pháp lý như sau:
 
Chương trình Xúc tiến thị trường thương mại nội địa năm 2009 của Chính Phủ giao Bộ Công Thương triển khai;
 
Thông tư số 21/2009/TT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2009 của Bộ Công Thương qui định việc xây dựng và hỗ trợ thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009;
 
Quyết định số 5342/QĐ-BCT ngày 28 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt kết quả lựa chọn đơn vị trúng thầu thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009;
 
II. NỘI DUNG KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
 
Điều tra, khảo sát thị trường thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009“ bao gồm 3 nội dung chính:
 
1.  Điều tra người tiêu dùng: điều tra về tâm lý, hành vi mua sắm, nhận thức của người tiêu dùng đối với hàng sản xuất trong nước của Việt Nam.
 
Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về người tiêu dùng đối với các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, dệt may – da giầy và đồ gia dụng trong nước nhằm phản ánh trạng thái của nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước hiện nay nói chung và tiêu dùng hàng Việt Nam nói riêng, phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh hướng vào thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong nước, trước hết là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phân phối.
 
(Kết quả điều tra Download tại đây: [Vietnamese] [English] )
 
2. Điều tra mạng lưới phân phối: điều tra về số lượng, qui mô, loại hình, phân bố, xu hướng phát triển của các cơ sở kinh doanh.
 
Điều tra về mạng lưới phân phối hàng hóa về các nhóm hàng lương thực - thực phẩm, dệt may – da giầy và đồ gia dụng nhằm thu thập và cung cấp các thông tin cần thiết, làm căn cứ để cơ quan quản lý các cấp và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối trong nước định hướng phát triển mạng lưới phân phối hướng tới người tiêu dùng, mở rộng tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh đối với các nhóm hàng trên.
 
(Kết quả điều tra Download [Vietnamese]  [English] )
 
3. Điều tra thương nhân: điều tra năng lực kinh doanh, nhu cầu nâng cao kiến thức quản lý, kỹ năng kinh doanh của thương nhân trong các khẩu phân phối: bán buôn, bán lẻ.
 
Điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu (định tính và định lượng) phản ánh thực trạng năng lực hoạt động kinh doanh và nhu cầu phát triển hoạt động thương mại (trong các khâu phân phối bán buôn, bán lẻ) của lượng thương nhân đang hoạt động trên thị trường trong nước nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước thuộc các cấp, các ngành xây dựng hệ thống chính sách phát triển thương nhân.
 
(Kết quả điều tra Download tại đây: [Vietnamese] [English] )
 
Viện Nghiên cứu Thương mại xin công bố kết quả điều tra, khảo sát thị trường với các thông tin cập nhật, mới nhất tính đến giữa năm 2010. Chúng tôi hi vọng kết quả báo cáo này sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc kịp thời nắm bắt thông tin, xây dựng kế hoạch sản xuất, phân phối, xây dựng chiến lược marketing, định vị và phát triển thương hiệu, sản phẩm, giá cả và kênh phân phối. Mặt khác giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp nhận định tình hình và có chính sách phát triển, quản lý thị trường phù hợp trong thời gian tới.
 
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn tập thể lãnh đạo, các chuyên gia, các đồng nghiệp trong và ngoài Viện đã tạo điều kiện, hợp tác và giúp đỡ chúng tôi hoàn thành cuộc điều tra này trong suốt thời gian qua.
 
Mọi ý kiến góp ý xin gửi về:
Phòng Nghiên cứu phát triển dự án- Viện nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương.
Địa chỉ: 17 Yết Kiêu - Hai Bà Trưng - Hà Nội.
ĐT: 04-39. 427.616, Fax: 04-39. 427.616