Bạn đang ở đây

Ra mắt báo cáo Thương mại điện tử năm 2009

31/08/2011 14:45:10
Để chuẩn bị triển khai các hoạt động trong năm cuối thực hiện Quyết định 222 và làm cơ sở cho việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 5 năm tiếp theo 2011-2015, trong năm 2009 Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra, khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử tại hơn 2000 doanh nghiệp trên cả nước. Trên cơ sở số liệu thu thập được, Bộ Công Thương đã tiến hành phân tích, tổng hợp và đưa ra những đánh giá toàn diện về hiện trạng ứng dụng thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam năm 2009. Bên cạnh đó, Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009 cũng tập trung phân tích, đánh giá tình hình thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại Quyết định 222, bao gồm xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đào tạo trực tuyến, đồng thời so sánh kết quả triển khai năm 2009 với các năm trước.
 
Sau đây là một số nét nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2009:
 
1. Ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp đã đạt kết quả tốt
 
Kết quả điều tra của Bộ Công Thương với 2004 doanh nghiệp trên cả nước trong năm 2009 cho thấy, gần như 100% các doanh nghiệp đã tổ chức triển khai ứng dụng TMĐT ở nhiều quy mô và mức độ khác nhau. Việc ứng dụng TMĐT đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
 
Theo kết quả khảo sát, 100% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã trang bị máy tính và trung bình mỗi doanh nghiệp có 25,8 máy tính. Có 98% doanh nghiệp đã kết nối Internet dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó 96% là kết nối bằng băng thông rộng (ADSL) và đường truyền riêng (leased line). Các doanh nghiệp cũng đã chú trọng tới việc khai thác ứng dụng cơ bản của TMĐT là thư điện tử (email) với 86% doanh nghiệp sử dụng email cho mục đích kinh doanh, trong đó tỷ lệ sử dụng của các doanh nghiệp lớn là 95%, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 78%.
 
Điểm nổi bật trong ứng dụng TMĐT năm 2009 là tỷ lệ sử dụng các phần mềm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh có xu hướng tăng. Ngoài 92% doanh nghiệp sử dụng phần mềm kế toán, các doanh nghiệp cũng đã mạnh dạn đầu tư, triển khai nhiều phần mềm chuyên dụng khác như quản lý nhân sự (43%), quản lý chuỗi cung ứng (32%), quản lý khách hàng (27%), v.v... Việc triển khai những phần mềm này đã góp phần tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đến nay phần lớn doanh nghiệp cũng đã chú ý và sử dụng những dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp.
 
Hiệu quả của việc ứng dụng TMĐT năm 2009 đã rất rõ nét. Với chi phí đầu tư cho TMĐT và CNTT chỉ chiếm khoảng 5% tổng chi phí, nhưng trung bình 33% doanh thu của doanh nghiệp là từ các đơn đặt hàng qua phương tiện điện tử và doanh nghiệp cũng dành bình quân 28% chi phí mua hàng cho việc đặt hàng qua các kênh điện tử.
 
2. TMĐT đã phát triển rộng khắp các địa phương trên cả nước
 
Tại cuộc điều tra năm 2009 của Bộ Công Thương, có 53% trên tổng số 2004 doanh nghiệp tham gia là doanh nghiệp ở các địa phương khác ngoài thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Kết quả cho thấy, đến nay 100% doanh nghiệp tại các địa phương tham gia khảo sát đã trang bị máy tính, mỗi doanh nghiệp có trung bình 21,5 máy tính và cứ 10,3 nhân viên có một máy tính. Hầu hết các doanh nghiệp ở địa phương cũng đều có kết nối Internet, chủ yếu sử dụng hình thức băng thông rộng ADSL, chỉ còn khoảng 2% sử dụng hình thức kết nối qua quay số. Kết quả điều tra cũng cho thấy chỉ còn 2% doanh nghiệp chưa kết nối Internet.
 
Cùng với việc ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp ngày càng tăng, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương cũng rất quan tâm, chú trọng tới vấn đề quản lý nhà nước về TMĐT. Với sự phối hợp, hướng dẫn của Bộ Công Thương trong việc triển khai Quyết định 222 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2006-2010, đến nay đã có 58/63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của địa phương. Hầu hết các Sở Công Thương trên cả nước cũng đã quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách về TMĐT để giúp Sở triển khai các hoạt động trong lĩnh vực này.
 
3. Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục có bước phát triển tích cực
 
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng được đề ra tại Quyết định 222, theo đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: “Đến năm 2010 các cơ quan chính phủ phải đưa hết dịch vụ công lên mạng, trong đó ưu tiên các dịch vụ: thuế điện tử, hải quan điện tử, các thủ tục xuất nhập khẩu điện tử, thủ tục liên quan tới đầu tư và đăng ký kinh doanh điện tử, các loại giấy phép thương mại chuyên ngành, v.v...”.
 
Sau bốn năm thực hiện Quyết định 222, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có liên quan đến thương mại và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay đã có một số dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở mức độ 3 như thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eC/O) của Bộ Công Thương, thủ tục hải quan điện tử thí điểm của Bộ Tài chính, v.v... Trên toàn quốc, 18 địa phương đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, trong đó có nhiều dịch vụ liên quan đến thương mại như cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập văn phòng đại diện, giấy phép thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, v.v...
 
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010, hiện nay các Bộ ngành và địa phương cũng đã và đang đẩy mạnh việc cung cấp trực tuyến nhiều dịch vụ công khác. Hầu hết dịch vụ công của các Bộ, ngành đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2.
 
4. Đào tạo trực tuyến đã hình thành và phát triển
 
Kết quả điều tra của Bộ Công Thương năm 2009 cho thấy đào tạo trực tuyến đã được ứng dụng khá phổ biến trong các cơ sở đào tạo ở bậc đại học và cao đẳng. Nhiều doanh nghiệp lớn và một số cơ quan nhà nước cũng đã bắt đầu triển khai ứng dụng đào tạo trực tuyến. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo trực tuyến đã ra đời để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng đối với hình thức đào tạo hiện đại này.
 
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương tại 62 trường đại học và cao đẳng, 37 trường đang triển khai ứng dụng đào tạo trực tuyến, 7 trường đã có kế hoạch triển khai đào tạo trực tuyến và không có trường nào không quan tâm tới đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, chỉ có 9 trường đã triển khai đào tạo trực tuyến trên 3 năm, 28 trường còn lại triển khai trong thời gian dưới 3 năm. Hầu hết các trường mới dừng ở mức chia sẻ qua mạng máy tính các tài liệu học tập, nghiên cứu đã được số hóa. Một số trường đã bắt đầu đưa phần mềm quản lý học tập vào hệ thống đào tạo trực tuyến để quản lý việc dạy và học trực tuyến.
 
Bên cạnh các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cũng bắt đầu triển khai ứng dụng đào tạo trực tuyến, đặc biệt là các tổ chức lớn, có quy mô hoạt động rộng và có nhu cầu cao về đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam, v.v...
 
5. Mua bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet đã dần trở nên quen thuộc với một bộ phận người tiêu dùng tại các đô thị lớn
 
Hình thức mua bán qua Internet phổ biến nhất hiện nay là mua bán hàng hóa và dịch vụ qua các website TMĐT. Đến nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp tổ chức bán hàng hóa và dịch vụ qua website TMĐT, đi đầu là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không, du lịch, siêu thị bán hàng tổng hợp, v.v...
 
Cho đến cuối năm 2009, việc mua bán qua các website TMĐT đã trở nên khá phổ biến đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ như vé máy bay, đồ điện tử, điện thoại di động, máy tính, sách, tour du lịch, phòng khách sạn, nước hoa, hoa tươi, v.v... Phương thức thanh toán và giao hàng cũng được các doanh nghiệp thực hiện rất linh hoạt, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của người mua từ thanh toán trực tuyến, chuyển khoản sau khi đặt hàng cho đến thanh toán khi nhận hàng.
 
Bên cạnh các website TMĐT chuyên dụng, trong thời gian gần đây cũng đã xuất hiện nhiều mạng xã hội với số lượng thành viên tham gia lên đến hàng trăm ngàn người. Với số lượng người tham gia lớn, những mạng xã hội này đang trở thành thị trường thực sự cho các nhà kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã có những hình thức đầu tư phù hợp để nắm bắt mảng thị trường tiềm năng này như lập chủ đề (topic) và thuê vị trí cố định cho chủ đề để bán hàng hoặc quảng cáo dịch vụ. Người bán trực tiếp trao đổi, giao dịch với khách hàng trên topic và thực hiện việc bán hàng hóa và dịch vụ qua nhiều phương thức rất linh hoạt và được người tiêu dùng chấp nhận.
 
(Toàn văn Báo cáo Thương mại điện tử 2009 xem tại đây)
 
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin