31/08/2011 09:33:32
Tại lễ công bố, ông Phan Thế Ruệ cho biết, trong những năm qua, quan hệ thương mại và đầu tư song phương Việt - Nhật đã phát triển tích cực. Năm 2007, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 12 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2000. Năm 2008, con số này dự kiến sẽ vượt 16 tỷ USD, phá mốc 15 tỷ USD vào năm 2010 mà hai chính phủ dự kiến đề ra. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật Bản tại Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Các công ty của Nhật Bản, trong đó có nhiều tập đoàn uy tín đang mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam với quy mô đầu tư ngày một lớn. Năm 2008, tổng vốn FDI đăng ký của Nhật Bản đạt trên 17 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nước có đầu tư tại Việt Nam và là nhà đầu tư hàng đầu với 4,8 tỷ USD xét về vốn thực hiện.
Với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung mạnh mẽ, Hiệp định VJEPA tạo cơ hội để doanh nghiệp, người tiêu dùng hai nước tiếp cận các nguồn vốn, công nghệ, nguyên nhiên liệu và hàng hóa một cách hiệu quả nhất. Cùng với các thỏa thuận trong đó giữa Nhật Bản với ASEAN, Hiệp định VJEPA sẽ hoàn tất chuỗi cung ứng giá trị của các doanh nghiệp Nhật Bản và ASEAN trong khu vực. Do vậy, về ngắn hạn, Hiệp định không gây ra những xáo trộn tiêu cực trong khi về dài hạn sẽ tác động đến sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu kinh tế của hai nước trong mối tương quan với các nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đây chính là nền tảng kinh tế thiết thực, bảo đảm sự thành công của Hiệp định VJEPA trong việc thực thi những mục tiêu mà chính phủ hai nước đã đề ra.
Các văn kiện Hiệp định VJEPA được ký kết vừa qua bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Hiệp định chính); Hiệp định thực thi (bao gồm các quy định về cơ chế triển khai các cam kết thuộc Hiệp định chính) và Tuyên bố chung về việc ký kết Hiệp định VJEPA nhằm giới thiệu các nội dung cam kết cơ bản, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa của Hiệp định trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đáng lưu ý, lần đầu tiên, chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với ta để sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ, xác lập quan hệ thương mại bình đẳng giữa hai nước.
Hiệp định VJEPA, được xây dựng dựa trên các chuẩn mực của Tổ chức thương mai thế giới (WTO), thể hiện sự cân bằng về lợi ích và phù hợp với trình độ và năng lực thực hiện của mỗi bên. Trong thời gian 10 năm, Việt Nam và Nhật Bản sẽ cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,66% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu (theo số liệu năm 2006). Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép. hóa chất, linh kiện điện tử sẽ có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất. Cam kết về đầu tư và thương mại dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định bảo hộ, xúc tiến và tự do hóa đầu tư (BIT) và WTO sẽ là cấu thành không tách rời của Hiệp định.
Về vấn đề tiếp nhận lao động, Nhật Bản cam kết dành cho Việt Nam một khoản vay ODA lãi suất thấp để mỗi năm đào tạo khoảng 200 - 300 y tá Việt Nam tại Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, các y tá sẽ được làm việc lâu dài tại Nhật Bản. Phía Nhật cam kết hỗ trợ xây dựng Hệ thống kiểm định tay nghề và Hệ thống cấp chứng chỉ cho y tá và hộ lý Việt Nam. Trong vòng 1 năm kể từ khi ký kết EPA, hai bên sẽ nối lại việc đàm phán về di chuyển lao động nhằm tiếp tục cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường cho y tá, hộ lý và các ngành nghề khác của Việt Nam.
Hiệp định cũng quy định một số chương trình hợp tác song phương quan trọng như xây dựng Trung tâm vệ sinh, an toàn thực phẩm, hài hòa tiêu chuẩn kỹ thuật, cải thiện môi trường kinh doanh, hợp tác về nâng cao năng lực trong các lĩnh vực du lịch, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, giao thông vận tải, sở hữu trí tuệ... Đặc biệt, ngày 25/12/2009, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là thỏa thuận hợp tác dài hạn nhằm giúp Việt Nam định hướng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đồng thời mở rộng cơ hội liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này.
Việt Nam và Nhật Bản đều thể hiện quyết tâm sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn trong nước để Hiệp định VJEPA có hiệu lực ngay nửa đầu năm 2009, kịp thời đem lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Ông Mitsuo Sakaba cho biết, kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, sự kiện ký kết Hiệp định VJEPA thực sự là mốc son quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á như mong muốn của chính phủ và nhân dân hai nước.
Bộ Công Thương