Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, tổ chức, thông tin người tiêu dùng phải được bảo mật.
Chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng
Tiếp tục hoạt động thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), chiều ngày 9/2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, sau 12 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ngoài nguyên nhân chủ quan trong công tác thực thi pháp luật, thì việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng phát sinh những vướng mắc, khó khăn, bất cập như: Công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thiết thực; nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn nhiều hạn chế...
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phát biểu tại hội thảo |
Trước thực trạng trên, Quốc hội khoá XV đã quyết định đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Đến nay, dự án Luật đang trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến góp ý của các bên liên quan trước khi hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.
“Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới” - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, sửa đổi luật là nhu cầu cấp thiết, để kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh mới;...
“Trong các nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều luật liên quan đến lĩnh vực này như: Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Cạnh tranh... Các quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; Thể chế hóa, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế” - ông Phan Xuân Dũng nói.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng cho biết thêm, để đóng góp cho dự thảo Luật trình Quốc hội, Liên hiệp đã tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo Luật đã được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
Thông tin về quá trình cho ý kiến, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan đã tiến hành nhiều hoạt động xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức 2 hội thảo để lấy ý kiến của các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan chịu tác động của Luật; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chủ trì tổ chức 1 hội thảo ở Quảng Ninh để lấy ý kiến của các hội thành viên, các chuyên gia và nhà khoa học, phục vụ quá trình hoàn thiện dự án Luật.
Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có 148 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 45 Điều; bổ sung 2 Điều; chuyển nội dung 2 Điều sang điều khác; bãi bỏ 2 Điều và sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo đảm các điều kiện để các tổ chức xã hội tham gian bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học và Ban soạn thảo tập chung thảo luận về những vấn đề còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề chính: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; Quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng; Quản lý nhà nước trong hoạt động Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; Các quy định nhằm nâng cao hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng;…
TS.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam nhất trí sự cần thiết bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được Quốc hội thông qua năm 2010 vì có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng mà nội dung Luật ban hành năm 2010 chưa đề cập tới. Tại khoản 2, Điều 48 quy định: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Tuy nhiên, để thấy rõ sự khác biệt giữa một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dung và tổ chức được lập ra có tôn chỉ, mục đích để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần viết lại quy định này theo hướng: “Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Quy định như vậy để thấy rõ sự khác biệt giữa tổ chức xã hội chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức xã hội khác có tham gia hoạt động này.
Bên cạnh đó, TS.Phạm Văn Tân cũng đề nghị sửa lại nội dung Khoản 2, Điều 52 theo hướng đối với tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì được Nhà nước cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước và bảo đảm các điều kiện khác để hoạt động chứ không chỉ là Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác.
“Như vậy thay cụm từ “được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác” bằng cụm từ: “được Nhà nước cấp kinh phí và bảo đảm các điều kiện khác”. Như vậy sứ mệnh của tổ chức này là thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhằm hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - TS.Phạm Văn Tân đề xuất.
Ngoài ra, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cũng cho rằng, cần có nội dung quy định về việc Chính phủ quy định cụ thể việc giao nhiệm vụ và giao kinh phí từ ngân sách nhà nước và các bảo đảm các điều kiện để tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích chuyên về bảo vệ quyền lợi người tiêu hoạt động.
Cũng đề cập về Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho biết, nên quy định hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, không chỉ tổ chức xã hội. Có quy định riêng về Quyền, nghĩa vụ của Tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi những hàng hóa, dịch vụ liên quan nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp, ngoài các tổ chức xã hội nghề nghiệp có tôn chỉ mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, cần có một điều quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Đỗ Huy Trung, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: Nhà nước cần có sự đánh giá, phân định từng loại tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để đầu tư có hiệu quả |
Từ thực tế, ông Đỗ Huy Trung, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ta hiện nay rất đa dạng, có tổ chức được thành lập với chức năng, nhiệm vụ chính toàn tâm để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam). Do đó, Nhà nước cần có sự đánh giá, phân định từng loại tổ chức để đầu tư có hiệu quả.
Hơn nữa, cần chú trọng việc thực hiện các quy định của pháp luật trên thực tế để các tổ chức này hoạt động có hiệu quả. Nhất là việc Nhà nước còn hỗ trợ một số hoạt động mà Nhà nước giao nhiệm vụ (đặt hàng), đó là các công việc, nhiệm vụ được ghi nhận trong Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành… Do đó, ông Đỗ Huy Trung đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan cần hướng dẫn giúp các tổ chức xã hội thực hiện việc này để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cần “bảo mật” thông tin của người tiêu dùng
Kiến nghị về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng (Chương II của dự thảo Luật) Ths.Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam nêu quan điểm, cần thay thế cụm từ “bảo mật” cho cụm từ “bảo vệ” ở các nội dung liên quan trong các Điều 14 và 15. Bởi lẽ cụm từ “bảo mật” sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, hợp lý hơn trong thực tiễn xã hội hiện nay. Cụ thể, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải có trách nhiệm “bảo mật” thông tin của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Ths.Nguyễn Hữu Giới cũng góp ý về chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong Chương V của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ điều 73 đến điều 77 đã quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm của Bộ Công Thương; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp...
Tuy nhiên, do bộ máy công quyền từ Trung ương đến địa phương ở nước ta hiện đang triển khai rất nhiều việc nên khi Luật này được ban hành đi vào cuộc sống sẽ cần nhiều sự nỗ lực, chung tay của các cơ quan Trung ương và các cấp chính quyền ở địa phương. Trong đó, có việc đẩy mạnh công tác truyền thông; nâng cao nhận thức cho nhân dân và các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân trong việc sản xuất - kinh doanh hàng hóa - sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng và người tiêu dùng “thông thái”.
Ths.Nguyễn Hữu Giới đề nghị Nhà nước cần có chế tài và quyết liệt hơn trong việc xử lý vấn nạn hàng giả/hàng nhái; đặc biệt xử lý nghiêm minh vấn nạn quảng bá thông tin hàng hóa và sản phẩm không đúng với chất lượng, quy cách, mẫu mã để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tiêu dùng trong xã hội.
Bày tỏ về sự quan tâm đến việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, TS.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, tại Điều 8 quy định về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương” có xác định các nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, bao gồm các nhóm người như: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em... Với quy định này, Ts. Phạm Văn Tân đề nghị bổ sung thêm một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương vào Khoản 1, Điều 3, cụ thể là: “nhóm hoặc tổ chức của những người yếu thế”. Ví dụ như những người cô đơn không nơi nương tựa, những người khuyết tật không phải một cá nhân mà là những người trong một nhóm hoặc trong một tổ chức.
Đồng thuận với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Cảm, Hội Thú y Việt Nam cho rằng, tại Điều 8 bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cần đưa Khoản 1 giải thích người dễ bị tổn thương vào giải thích từ ngữ, trong đó cần rà soát lại mục d về câu chữ, đã quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” lại còn quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” theo quy định của pháp luật về công tác dân tộc là hơi thừa. Trong Mục 2, Khoản b ghi “tổ chức thực hiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này. Nhưng trong Điều này không có khoản 4, vì vậy nên bỏ.
Trong khi đó, Ths. Phạm Thị Ngọc, Hội Khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam lại cho rằng, chính sách chống phân biệt đối xử, kỳ thị, lợi dụng đã được quy định đối với tất cả các đối tượng người tiêu dùng và trong tất cả các hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với người tiêu dùng. Việc này không chỉ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh.
“Hiện tại, trong các luật chuyên ngành như Luật Người cao tuổi (tại Điều 9), Luật Trẻ em (tại Điều 5), Luật Người khuyết tật (tại Điều 14), Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) (tại Điều 8) đã quy định chung về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm kỳ thị, phân biệt đối xử nhưng thực tế dường như chưa đi vào cuộc sống. Để tăng tính rõ ràng, minh bạch của quy định, đề nghị Ban soạn thảo sử dụng thống nhất cụm từ người tiêu dùng dễ bị tổn thương tại điểm c, d, đ của khoản 2 điều này” - Ths. Phạm Thị Ngọc nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật |
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự án Luật.
“Tại cuộc họp ngày hôm nay, đã có thêm nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các tổ chức, các hội và các chuyên gia. Đây là những ý kiến hết sức quý báu, thể hiện trách nhiệm, tâm huyết của quý vị đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, giúp công tác này tiếp tục hoàn thiện và phát triển trong thời gian tới. Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, xin được tiếp thu và cảm ơn các ý kiến tham gia của quý vị” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, ngay sau cuộc họp này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường để nghiên cứu các ý kiến, đề xuất phương án hoàn thiện Dự thảo Luật, phục vụ cho quá trình báo cáo Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Kết luận hội thảo, ông Lê Quang Huy Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý của các Hiệp hội, chuyên gia, các nhà khoa học. Các ý kiến góp ý thực sự có ý nghĩa trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời nhấn mạnh, Pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là bên yếu thế trong giao dịch. Để phát huy hiệu quả của việc bảo vệ người tiêu dùng thì cần sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức có liên quan.
Ý kiến của các đại biểu tham dự đã được Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ đạo Tiểu ban Xây dựng, Giao thông, Công thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Về một số kiến nghị cụ thể khác, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền.
Nguồn: Báo Công Thương