Bạn đang ở đây

Yếu tố mang đến thành công

05/08/2013 08:43:14
Đặc biệt, các vùng nông thôn, thôn bản vùng cao có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa lớn đã và đang tạo đà quan trọng xây dựng đời sống ấm no.

Đạt được kết quả đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của nhân dân bên cạnh sự đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn cho vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.

Những năm qua, Chi nhánh luôn bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn để mở rộng đầu tư tăng trưởng tín dụng trên cơ sở bảo toàn vốn, hiệu quả cao, chú trọng cho vay tới các vùng dân nông thôn đầu tư sản xuất như: nuôi bò bán công nghiệp, trồng rừng kinh tế, chế biến chè, thâm canh lúa nước, gieo trồng vụ đông...

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình phấn khởi nói: "Đối với đơn vị, tiêu chí hàng đầu trong kinh doanh là tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn vốn. Ngoài hai tiêu chí đó, chúng tôi rất chú trọng việc đưa vốn đến các vùng nông thôn, giúp nông dân đầu tư sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Nói vậy không có nghĩa là chỉ các hộ dân nông thôn mà Chi nhánh còn cho vay tất cả các thành phần kinh tế có đủ tư cách pháp nhân. Có điều, hộ dân nông thôn, đặc biệt ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa được ưu tiên hơn. Cho vay hộ dân nông thôn, nhất là hộ nghèo vay thì tỷ lệ rủi ro cao, món vay nhỏ, đường sá đi lại khó khăn, chi phí nhiều hơn nhưng thực sự mang ý nghĩa vô cùng lớn. Toàn huyện có 25 xã, thị trấn với trên 200 thôn bản thì đồng vốn tín dụng của chúng tôi đều đã đến được".

Tính đến tháng 7/2013, tổng dư nợ cho vay các thành phần kinh tế của Chi nhánh lên đến trên 450 tỷ đồng, trong đó cho vay sản xuất kinh doanh ngành nông - lâm nghiệp 300 tỷ đồng với trên 7.000 lượt hộ nông dân, còn lại là vay sản xuất, kinh doanh ngành nghề dịch vụ, thương mại, tiêu dùng. Để tăng trưởng tín dụng trong nông thôn, ngoài 3 điểm giao dịch chính, mỗi xã trong huyện đều có một cán bộ tín dụng của Chi nhánh “nằm vùng”.

Trong cho vay, đơn vị thực hiện tốt chính sách ưu đãi về lãi suất và thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, không gây phiền hà, người vay dù là thành phần kinh tế nào cũng đều là bạn hàng và là đối tác của ngân hàng. Các nguồn vốn vay tập trung vào các dự án như trồng măng tre Bát Độ, chăn nuôi bò bán công nghiệp, chuyển ruộng một vụ sang nuôi trồng thủy sản, đầu tư thâm canh, chế biến chè...

Từ nguồn vốn vay đã có nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên giàu có như hộ anh Đinh Xuân Trường, Đào Bá Tiệp - xã Phú Thịnh. Gia đình ông Ngô Văn Cát - thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh trước đây cũng nghèo khó, vất vả như bao gia đình khác trong thôn, trong xã. Ông đã xoay đủ nghề từ làm chè đến mở xưởng chế biến chè, chăn nuôi lợn... nhưng cuộc sống cũng không khấm khá hơn. Ông đã vay vốn ngân hàng và đầu tư nuôi gà ta thả vườn.

Ban đầu, ông đầu tư nuôi 50 gà mái đẻ và 100 con gà thịt. Vừa nuôi ông vừa nghiên cứu tài liệu, học tập kinh nghiệm của những người đi trước từ khâu chọn giống đến cách làm chuồng trại hợp lý, phòng chống dịch bệnh. Đến nay, trong nhà ông thường xuyên có 350 con gà mái đẻ và 700 - 800 con gà thịt. Nhờ chăn nuôi gà ta thả vườn, không những đã trả hết nợ vay mỗi năm gia đình ông Cát còn thu lãi gần 100 triệu đồng.  

Thủ tục vay đơn giản, thuận tiện và khi có tiền thường xuyên giám sát việc sử dụng đồng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả; trường hợp không sử dụng vốn đúng mục đích sẽ bị thu hồi; những trường hợp đầu tư không mang lại hiệu quả, cán bộ tín dụng cùng gia đình phải tìm cách tháo gỡ, định hướng đầu tư cho hiệu quả hơn - đó chính là những yếu tố mang đến thành công trong hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình.

Theo YBĐT