Bạn đang ở đây

Yên Bình tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội

22/12/2014 13:30:25

Yên Bình có diện tích tự nhiên 77.261,79 ha, là địa phương có nhiều lợi thế so sánh về vị trí địa lý, là đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng của tỉnh Yên Bái với Lào Cai và Hà Nội, là cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Huyện là đầu mối giao thông quan trọng, có tuyến Quốc lộ 70 chạy suốt dọc trung tâm huyện lỵ,  có tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế chạy dọc các xã vùng đông hồ và  từ Yên Bình đến tuyến đường cao tốc nội Bài - Lào Cai cũng chưa đầy 10 Km.  Tổng số lao động trong độ tuổi trên 54.000 người, đó là thuận lợi quan trọng để phát triển kinh tế dịch vụ.

Bên cạnh đó, Yên Bình là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển nông lâm nghiệp. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt từ 15.000 - 17.000 tấn; sản lượng sắn củ tươi đạt trên 70.000 tấn; sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt 100.000 m3; Diện tích mặt nước hồ Thác Bà trên 15.900 ha, đây là lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị cao. Đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng công nghiệp, cây ăn quả có múi, cây lương thực và có nhiều điều kiện tốt để phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Tài nguyên thiên nhiên của huyện khá phong phú, ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng, còn kể đến một số khoáng sản như: Mỏ Chì, Kẽm ở xã Xuân Lai, Cảm Nhân với diện tích có khả năng khai thác khoảng 350 ha; mỏ Felspat phân bố chủ yếu ở xã Hán Đà, thị trấn Thác Bà, trữ lượng khai thác khoảng 7,5 triệu m3; đá vôi làm vật liệu xây dựng phân bố chủ yếu ở xã Mỹ Gia, trữ lượng khai thác khoảng 20 triệu m3; đá vôi trắng phân bố chủ yếu ở Mông Sơn, trữ lượng khai thác khoảng 465 triệu m3; Cát, sỏi xây dựng ở lòng sông Chảy thuộc xã Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Thác Bà, trữ lượng khai thác khoảng 313.352 m3; Đá quý phân bố ở các xã Tân Hương, Bảo Ái, Tân Nguyên… những loại tài nguyên này đều có trữ lượng khá lớn. 

Ngoài ra, Yên Bình còn có tiềm năng để phát triển du lịch: Vùng hồ Thác Bà với diện tích khoảng 15.900 ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ và hang động tự nhiên như Động Thủy Tiên (xã Tân Hương, Mông Sơn), Động Cẩu Quây (xã Xuân Long), trong tương lai khu du lịch sinh thái hồ Thác Bà sẽ là khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ Quốc gia, ngoài ra còn có các điểm di tích lịch sử văn hóa như Đền thờ Mẫu Thác Bà, Đình Khả Lĩnh…đó là những tiềm năng để đáp ứng cho phát triển du lịch.

Với những tiềm năng, thế mạnh trên, trong những năm qua huyện Yên Bình cũng đã luôn mở rộng cửa để đón tiếp các nhà đầu tư vào địa bàn huyện. Trong đó huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin quảng bá giới thiệu tiềm năng lợi thế của địa phương rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huyện cũng đã ban hành Nghị Quyết chuyên đề về tăng cường thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Bình giai đoạn 2011 - 2015. Tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế và đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống của nhân dân, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa. Thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các ngành kinh tế mà Yên Bình có tiềm năng, thế mạnh như: Du lịch, sản xuất chế biến nông lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách huyện. Kết hợp phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với bảo vệ môi trường bền vững và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn huyện. Huyện cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý, thủ tục hành chính để mời gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đến với Yên Bình

Ông Nguyễn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện nay huyện Yên Bình đang áp dụng các chính sách thu hút đầu tư theo Quyết định số 05 ngày 29/3/2012 của UBND tỉnh bao gồm: đơn giá thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng áp dụng đối với các dự án trong khu công nghiệp của tỉnh, các dự án trong khu du lịch và các dự án trong các cụm công nghiệp do các huyện quản lý; hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động địa phương và hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh được hưởng các chính sách ưu đãi của Trung ương và địa phương.”

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện trong thời gian tới huyện Yên Bình sẽ tập trung đầu tư vào việc xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp. Trong đó chú trọng thu hút đầu tư vào công nghiệp chế tạo, lắp ráp, sửa chữa cơ khí, điện tử, may mặc, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông lâm sản… Mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gỗ và sản xuất đồ mộc gia dụng xuất khẩu. Đầu tư và chế biến sâu về khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng

Đối với chế biến nông lâm sản, thực phẩm, huyện sẽ kêu gọi đầu tư dự án sản xuất đồ gỗ, đồ gia dụng mây tre đan, sản xuất chế biến chè bằng công nghệ tiên tiến như chế biến chè đen theo công nghệ CTC; chế biến chè xanh và các sản phẩm khác như chè nhúng, chè hòa tan, chè ướp hoa tươi, gắn cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu.

Huyện cũng đang kêu gọi đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá chiên, cá lăng, cá nheo… trên vùng hồ Thác Bà.

Với lợi thế về du lịch, huyện Yên Bình đang kêu gọi đầu tư vào các dự án khu nghỉ dưỡng và hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ khách tham quan du lịch. Đặc biệt là đầu tư vào khu du lịch sinh thái Hồ Thác Bà. Đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái dọc tuyến đường Hoàng Thi và khu Hồng Bàng xã Đại Đồng; phát triển du lịch cộng đồng tại một số xã trong huyện như: Phúc An, Xuân Lai, Vũ Linh. Đầu tư xây dựng 01 Trung tâm Thương mại và Dịch vụ tổng hợp tại Km 14 thị trấn Yên Bình và 03 siêu thị tại thị trấn Yên Bình, thị trấn Thác Bà xã Đại Minh.

Theo YBĐT