Thời gian qua, cùng với những thế mạnh sẵn có, huyện đã thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực tham gia phát triển lĩnh vực này.
Công nghiệp chế biến gỗ phát triển mạnh ở Yên Bình.
|
Với ngành nghề kinh doanh là khí dầu mỏ hóa lỏng, các phụ kiện gas, chiết nạp gas, Công ty TNHH Thương mại Dầu khí An Bình, tổ 3, thị trấn Yên Bình gặp không ít khó khăn trong quá trình làm các thủ tục kinh doanh. Nhưng nhờ được hưởng các chính sách ưu đãi tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, của tỉnh, của huyện và các ngành chức năng nên chỉ sau một thời gian ngắn, doanh nghiệp đã đảm bảo đầy đủ các thủ tục pháp lý để sản xuất, kinh doanh như: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận ưu đãi đầu tư, chứng nhận an toàn cháy nổ… từ năm 2001, đơn vị luôn kinh doanh ổn định, đảm bảo việc làm và thu nhập cho nguời lao động. Trung bình hàng tháng, Công ty cung cấp trên 200 tấn gas cho 6 tỉnh miền núi phía Bắc với doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình đầu tư như vốn, các thủ tục pháp lý về hành chính, thị trường tiêu thụ nhưng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đến nay, huyện Yên Bình đã có 140 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có 5 doanh nghiệp Nhà nước, 37 doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, 22 doanh nghiệp tư nhân, 64 công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Ngoài ra, có 600 hộ cá thể tham gia lĩnh vực sản xuất CN-TTCN. Đặc biệt, hiện nay, huyện đã hình thành 2 khu cụm công nghiệp là Khu cụm công nghiệp Thịnh Hưng và Cụm công nghiệp Mông Sơn.
Quan tâm thu hút đầu tư cũng như tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nên 6 tháng đầu năm, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động, đưa giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 579,24 tỷ đồng, trong đó ngoài quốc doanh đạt 149,47 tỷ đồng, quốc doanh đạt 429,77 tỷ đồng.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể là ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất chậm; sản phẩm vẫn dừng ở công đoạn thô, bước đầu thực hiện chế biến sâu nên giá thành còn thấp; vốn đầu tư của các doanh nghiệp không cao; doanh nghiệp quy mô nhỏ; tay nghề của người lao động tại 1 số doanh nghiệp chưa cao...
Khắc phục khó khăn, tiến tới hoàn thành mục tiêu đề ra là giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2013 đạt 1.400 tỷ đồng, hiện nay, huyện Yên Bình tập trung đầu tư phát triển một số ngành nghề mũi nhọn được coi là tiền đề, tạo bước đột phá như: khai thác khoáng sản, chế biến chè và lâm nghiệp. Bên cạnh đó, huyện bám sát các chính sách mới theo định hướng của Chính phủ, của tỉnh để bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất.
Huyện cũng sẽ nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh như hỗ trợ vốn từ nguồn kinh phí khuyến công, hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Đặc biệt là rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ để tham mưu cho các cấp chính quyền có giải pháp thúc đẩy các doanh nghiệp đi vào hoạt động có hiệu quả; thu hồi giấy phép đầu tư đối với các dự án hoạt động không hiệu quả hoặc hoạt động kém hiệu quả; tạo môi trường đầu tư về cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Cùng với đó, huyện cũng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục hành chính và các thủ tục pháp lý để doanh nghiệp đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án…
Theo YBDT