Bạn đang ở đây

Yên Bái triển khai sản xuất gạch không nung thay thế gạch nung

23/07/2013 14:54:37

Theo số liệu của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, ở nước ta hiện nay mỗi năm sử dụng khoảng 20 – 22 tỷ viên (tương đương 28 triệu m3 gạch xây/năm, đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ gạch xây ước tính tăng khoảng 42 tỷ viên ( tương đương 58 triệu m3 gạch xây), cao gấp đôi so với mức tiêu thụ hiện nay.

Để sản xuất được số gạch xây trên, cần phải có khoảng 600 triệu m3 đất sét/năm, tương đương 30.000 ha đất canh tác. Không chỉ tiêu tốn một lượng đất lớn, sản xuất gạch nung còn tiêu tốn một lượng than, củi rất lớn, hàng năm những lò gạch này đã thải vào bầu khí quyển một lượng khí độc rất lớn. Trong bối cảnh đó việc sản xuất gạch không nung để thay thế cho gạch nung đã được các nước trên thế giới nghiên cứu áp dụng để khắc phục nhược điểm trên.

Về gạch nung có khoảng 70÷100 tiêu chuẩn quốc tế, với kích thước tiêu chuẩn khác nhau. Tại Việt Nam loại gạch này có kích thước chung là 210x110x60. Gạch không nung có tới 300 tiêu chuẩn quốc tế khác nhau với kích cỡ viên gạch đa dạng, sức nén viên gạch không nung tối đa đạt 35Mpa., do các phản ứng hoá đá của gạch không nung trong hỗn hợp tạo gạch sẽ tăng dần độ bền của gạch theo thời gian. Quá trình sử dụng thử nghiệm gạch không nung ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản đều đã cho kết quả về độ bền, độ rắn của viên gạch không nung tốt hơn gạch đất sét nung.

Gạch không nung phân thành 3 nhóm: Gạch xi măng-cốt liệu được sản xuất từ hỗn hợp xi măng và các loại cốt liệu ( cát, đá mạt, bột đá, xỉ than), tạo cường độ bằng công nghệ rung - nén, dưỡng hộ tự nhiên hoặc hấp hơi nước. Gạch đặc có cường độ chịu lực cao, tuy nhiên khá nặng (trọng lượng thể tích > 1.900 kg/m3), có thể dùng để xây móng, tường chịu lực. Gạch rỗng có cường độ chịu lực vừa phải, trọng lượng thể tích 1.300 - 1.800kg/m3 (tương đương gạch nung tuynel), thường dùng để xây tường ngăn, bao, che. Gạch bê tông nhẹ được sản xuất trên cơ sở bê tông khí hoạc bê tông bọt, là những sản phẩm bê tông trong đó cốt liệu đá được thay thế bằng các túi khí hoặc bọt. Bê tông khí chưng áp dùng nguyên liệu xi măng, vôi, cát, tro, xỉ than, bột nhôm, nước. Bê tông bọt dùng nguyên liệu xi măng, cát, tro, xỉ than, chất tạo bọt, nước. Gạch polymer hóa được sản xuất trên cơ sở ép tạo hình hỗn hợp phối liệu gồm: đất sét đồi + cốt liệu (cát, đá mạt, phế thải công nghiệp) + phụ gia, dưỡng hộ tự nhiên.

Sản phẩm gạch không nung có tính chịu lực cao, cách âm, cách nhiệt tốt hơn vật liệu nung. Mẫu mã và kích thước đa dạng, thích ứng tính đa dạng trong xây dựng. Cơ sở sản xuất có thể phát triển theo nhiều quy mô khác nhau, không bị hạn chế nhiều về mặt bằng sản xuất.

Với những ưu việt đó nên việc sản xuất và sử dụng gạch xây không nung thay thế hoàn toàn gạch nung đã được các nước phát triển áp dụng từ lâu, ở Việt Nam cũng đã sản xuất và sử dụng gạch không nung, song tỷ lệ sử dụng còn rất thấp, chỉ chiếm 4 – 5% sản lượng gạch toàn quốc.

Để định hướng phát triển gạch không nung các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp qui để điều chỉnh các vấn đề liên quan trong quá trình qui hoạch tổng thể ngành vật liệu xây dựng cụ thể như:

Quyết định số 15/2004/QĐ- BXD ngày 10/06 năm 2004 của Bộ Xây Dựng về việc ban hành tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCVN 316:2004” block betông nhẹ yêu cầu kỹ thuật”.

Thông tư 134/2007/TT-BTC quy định sản phẩm block nhẹ thuộc diện đặc biệt ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp( miễn thuế 4 năm- giảm thuế 50% trong 9 năm).

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 567/QĐ-TTg  ngày 28/4/2010 : Từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) phải sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây. Ưu tiên phát triển và sản xuất gạch nhẹ, có thể đề ra cơ chế bắt buộc : Trừ một số công trình đặc biệt (có quy định riêng), khi thiết kế và thi công các công trình từ 9 tầng trở lên như: nhà ở, văn phòng làm việc, bệnh viện, trường học…. phải theo quy định về sử dụng Vật liệu xây không nung.

Thông tư số 09/2012/TT-BXD của Bộ Xây dựng Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng. Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ nay đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng VLXD không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch sét nung, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng tài nguyên đất sét, nhiên liệu hóa thạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch sét nung.

Sau khi Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục xây dựng lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến. Tích cực chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển VLXKN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010. Xây dựng và rà soát Quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tại địa phương phù hợp với Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng việc phát triển VLXKN từng bước thay thế gạch đất sét nung. Rà soát trình Hội đồng nhân dân quyết định nâng mức phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét làm gạch lên mức tối đa.

Theo thống kê năm 2012, trên địa bàn tỉnh Yên Bái sản xuất khoảng 165 triệu viên gạch nung. Gây ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn một lượng than củi rất lớn. Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất gạch không nung đã ra đời như: Công ty TNHH Trường Phát, Công ty CP khai thác sản xuất và xây dựng huyện Văn Yên và  khoảng 200 cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2013, Công ty TNHH Ngọc Viễn Đông đã xin đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung công suất 195 triệu viên/ năm, tại huyện Văn Yên.

Nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất vật liệu không nung (gạch không nung) trên địa bàn tỉnh, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái, Sở Công Thương Yên Bái, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tiến hành khảo sát, lập đề án hỗ trợ cho 13 doanh nghiệp và hộ cá thể đầu tư máy móc thiết bị sản xuất gạch không nung trên địa bàn các huyện, thị trong tỉnh. Năm 2012, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Yên Bái đã phối hợp Công ty CP khai thác sản xuất và xây dựng huyện Văn Yên xây dựng và triển khai đề án: “Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch bê tông, công suất 7,6 triệu viên/năm” tại xã Địa Phác, huyện Văn Yên.

Để giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tỉnh có những chính sách hỗ trợ về Khoa học công nghệ và khuyến công nhằm giúp đỡ cho những doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, đưa tỉnh ta dần dần trở thành một tỉnh có nền công nghiệp phát triển.

Nguồn: Phòng QLCN