Bạn đang ở đây

Yên Bái: Tình hình sản xuất kinh doanh ngành Công Thương 2 tháng đầu năm 2013

26/03/2013 11:58:42

Kỳ nghỉ tết nằm vào giữa tháng, với các cơ quan hành chính được nghỉ 9 ngày, là thời gian nghỉ tết dài nhất từ trước đến nay, còn với các đơn vị SXKD, một số doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ngay từ mùng 4 tết, tuy nhiên phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ vẫn chưa trở lại làm việc bình thường đến hết rằm tháng riêng. Kỳ nghỉ tết đã mang đến những kết quả trái ngược nhau giữa sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại. 

Với sản xuất công nghiệp: Sản xuất công nghiệp tháng 02 đạt kết quả thấp. Thời gian sản xuất tháng 2 của các đơn vị bình quân chỉ đạt 15/31 ngày. Qua khảo sát tình hình sản xuất trước trong và sau tết của Sở Công Thương, ngoài một số doanh nghiệp phát điện duy trì sản xuất bình thường trong tết, một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn vận hành dây chuyền liên tục như các nhà máy xi măng, sản xuất gạch tuy nel bố trí ca kíp trực sản xuất, tiết giảm công suất trong tết, một số các đơn vị bắt đầu trở lại sản xuất từ mùng 6 tết, còn phần lớn các cơ sở sản xuất nhỏ, cơ sở chế biến nông lâm sản chỉ vào sản xuất sau rằm tháng riêng. Một số chủ cơ sở cũng rất muốn sản xuất ngay, tuy nhiên do chưa có lao động trở lại làm việc, mặt khác cũng chưa có nguồn nguyên liệu cung cấp từ người dân nên cũng phải nghỉ theo. Ngoài ra tình hình trầm lắng của thị trường những ngày sau tết do tiếp tục chịu ảnh hưởng của lạm phát vẫn chưa được khởi sắc đã tác động đến sản xuất...

 Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 02/2013 ước đạt: 153,221 tỷ đồng giảm 37,8% so với tháng trước, Lũy kế ước đạt 399,77 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ, bằng 9,75% kế hoạch năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02 năm 2013 giảm 37,23% so với tháng 01 năm 2013 và giảm 35,69% so với tháng 2 năm 2012. Tính chung 02 tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành giảm 15,01%, trong đó: Công nghiệp khai khoáng giảm 43,18%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,78%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm 21,68%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và sử lý rác thải, nước thải tăng 16,83%.

 Các sản phẩm chủ yếu có ảnh hưởng lớn đến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đều giảm hoặc tăng không cao: Quặng sắt và tinh quặng sắt chưa nung kết ước đạt 11.853,91 tấn, giảm 38,08% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 30.998,25 tấn, giảm  43,75% so với cùng kỳ; Xi măng Portlanđ đen ước đạt 51,6 ngàn tấn, giảm 28,83% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 124,1 ngàn tấn, tăng 26,57% so với cùng kỳ; Đá phiến đã hoặc chưa đẽo thô ước đạt 3.947,45 m­3, giảm 29,9% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 9.578,38 m­3, giảm 48,36% so với cùng kỳ; Dầu, mỡ thực vật tinh luyện khác ước đạt 11.54 tấn, giảm 18,75% so với tháng trước, lũy kết ước đạt 25,75 tấn, tăng 52,47% so với cùng kỳ; Gỗ cưa hoặc xẻ (trừ gỗ xẻ tà vẹt) ước đạt 4.138,95 m­3, giảm 43,27% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 11.435,04 m­3,  tăng 65,99% so với cùng kỳ; Cao lanh và đất sét cao lanh khác ước đạt 1.170,48 tấn, giảm 62,04% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 4.254,05 tấn, tăng 135,58% so với cùng kỳ; Các loại đá lát, đá lát đường và phiến đá lát đường bằng đá tự nhiên( trừ đá phiến) ước đạt 14.567 m2, giảm 31,13% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 35.718m2, tăng 41,52% so với cùng kỳ; Điện thương phẩm ước đạt 33 triệu Kwh, giảm 16,46 % so với tháng trước,  lũy kế ước đạt 72,5 triệu Kwh, tăng 10,75% so với cùng kỳ; Điện sản xuất ước đạt 17,62 triệu Kwh, giảm 34,54% so với tháng trước, giảm 22,32% so với cùng kỳ; Tinh bột săn, bột dong riềng ước đạt 7.536,97 tấn, giảm 6,92% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 42,71 triệu Kwh, giảm 40,2% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại: Thị trường có sự sôi động do sức mua sắm tăng cao trong những ngày trước và giáp tết. Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 02/2013 tăng 1,5% so với tháng trước; bình quân so với cùng kỳ năm trước tăng 7,08%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 02 năm 2013 ước đạt 763,623 tỷ đồng, tăng 3.23% với tháng trước, lũy kế ước đạt 1.503,317 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ và bằng 17,89% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước ước đạt 100,117 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,66%; các khu vực kinh tế khác ước đạt 1.403,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93,34%;

Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tháng 02/2013 giảm mạnh so với tháng trước do phần lớn các mặt hàng xuất khẩu sang các nước cũng có truyền thống đón tết như ở nước ta, chủ yếu nước bạn nhập khẩu từ tháng trước. Các DN nhập khẩu ở một số nước khác cũng ngừng giao dịch trong thời gian ở nước ta các DN nghỉ tết. Xuất khẩu ư­ớc đạt 3.587 ngàn USD, giảm 37,05% so với tháng trước, lũy kế ước đạt 9.286 triệu USD, tăng 39,83% so với cùng kỳ và bằng 20,63% kế hoạch năm. Đóng góp nhiều vào kim ngạch xuất khẩu là nhóm sản phẩm khoáng sản (đá bột + hạt, đá block); tinh bột săn, giấy vàng mã; nhóm hàng nông lâm sản. Các đơn vị có kim ngạch xuất khẩu lớn như: Công ty CP lâm nông sản thực phẩm Yên Bái; Công ty liên doanh cacbonnat YBB; Công ty CP Mông Sơn; Công ty TNHH TM đầu tư Yên Bình; Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam…Kim ngạch nhập khẩu tháng 02/2013 ước đạt 0,22 triệu USD, lũy kế ước đạt 0,44 triệu USD, giảm 1,41% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu chủ yếu là phân bón và nguyên phụ liệu hàng may mặc.

Như vậy, mặc dù kết quả đạt được trong sản xuất công nghiệp kinh doanh thương mại, xuất khẩu tháng 2 còn thấp song chủ yếu vẫn là do ảnh hưởng của kỳ nghỉ tết, ảnh hưởng của tình trạng suy thoái vẫn còn song một số tín hiệu tốt cho sản xuất đã xuất hiện, trong các tháng tiếp theo nhiều khả năng sẽ có sức bật mới.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kịp thời đón đầu được những thuận lợi mới, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương đề xuất tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:

Một là: Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, với Ủy ban nhân dân các huyện thị thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, kịp thời tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh các chính sách và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (trọng tâm là tháo gỡ các khó khăn trong khai thác chế biến khoáng sản; cung cấp điện, than cho sản xuất xi măng, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp chế biến khoáng sản, các cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm sản…); Động viên các doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung vào các sản phẩm chủ lực như: xi măng; Felspat bột; bột đá; Giấy đế, giấy vàng mã, tinh bột sắn…tiếp tục động viên phát huy năng lực các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất như: chế biến nông lâm sản, thuỷ điện, các mỏ khai thác chế biến khoáng sản. Đặc biệt là đẩy mạnh sản xuất công nghiệp - TTCN các địa phương;

Hai là: Phối hợp tốt với các ngành chức năng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đôn đốc triển khai các hoạt động khuyến công- tư vấn phát triển công nghiệp theo kế hoạch đã được duyệt.

Ba là: Tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hoá đối với một số hàng hoá chủ lực như: Quặng sắt, đá CaCO3, Vật liệu xây dựng, tinh dầu quế, giấy vàng mã ... nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bốn là: Tăng cường công tác quản lý thị trường, tập trung kiểm tra việc chấp hành pháp luật kinh doanh, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu gian lận thương mại, vi phạm về quản lý giá, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai các hoạt động thanh- kiểm tra theo kế hoạch, trong đó có công tác an toàn hồ đập thủy điện, an toàn lao động, xử lý chất thải, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nguồn: Phòng KHTH