Là tỉnh miền núi, lại nằm sâu trong nội địa, những năm qua Yên Bái luôn xác định lấy phát triển công nghiệp làm khâu đột phá, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.
Yên Bái đã xây dựng được hệ thống hạ tầng liên hoàn đáp ứng cho phát triển, hiện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng năm 2020.
Toàn tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 5 KCN với diện tích trên 925 ha. Trong đó, KCN phía Nam rộng 532 ha, KCN Minh Quân rộng 112 ha và đã có 3 dự án đầu tư; KCN Bắc Văn Yên diện tích 72 ha, có 4 dự án đầu tư đã đi vào sản xuất; KCN Âu Lâu có diện tích 120 ha; KCN Mông Sơn 90 ha.
Hầu hết các KCN đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như: điện, đường, nước, bưu chính viễn thông... khá hoàn chỉnh, đáp ứng mọi yêu cầu của nhà đầu tư. Các KCN bước đầu đã thu hút được các nhà đầu tư, đã có một số dự án đi vào sản xuất hiệu quả, giải quyết việc làm thu nhập cho người lao động, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tính đến hết tháng 3 năm 2012, các KCN đã thu hút 25 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư đạt trên 7.521 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất có hiệu quả, 13 dự án đang đầu tư xây dựng cơ bản với tổng số vốn đầu tư trên 1. 650 tỷ đồng, 2 dự án đang tiến hành các thủ tục xây dựng cơ bản với số vốn trên 163 tỷ đồng.
Đáng chú ý là khu A thuộc KCN phía Nam đã thu hút được 15 dự án với tổng vốn đầu tư trên 1.814 tỷ đồng, lấp đầy 100% diện tích quy hoạch KCN và thu hút 730 lao động.
Các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh khá hiệu quả như: Nhà máy nghiền PeldsFar thuộc Công ty cổ phần khoáng sản VPG, công suất 100 ngàn tấn sản phẩm/năm, thu hút 50 lao động; Nhà máy nghiền bột đá CaCO3 thuộc Công ty cổ phần Mông Sơn, công suất 80 ngàn tấn sản phẩm/năm, thu hút 120 lao động; Nhà máy chế biến đá vôi trắng thuộc Công ty Phát triển số 1-TNHH 1 thành viên Hải Dương, công suất 250 ngàn tấn sản phẩm/năm, thu hút 160 lao động...
Trong những tháng đầu năm này, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng các nhà máy, công ty trong các KCN đã nỗ lực sản xuất, kinh doanh do đó giá trị sản xuất 3 tháng đầu năm vẫn đạt 155.234 triệu đồng, chiếm 21,6% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.
Rõ ràng trong môi trường đầu tư còn chưa thật hấp dẫn, các KCN mới hình thành, ngoại trừ KCN phía Nam và Bắc Văn Yên, cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thiện nhưng vẫn thu hút được một số dự án vào sản xuất là những tín hiệu khả quan.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được cho thấy việc thu hút các nhà đầu tư vào các KCN vẫn còn hạn chế và để lấp đầy các KCN, cụm công nghiệp cần có sự nỗ lực cao trong thu hút đầu tư.
KCN Minh Quân với diện tích quy hoạch 112 ha nhưng mới thu hút được 2 dự án vào đầu tư với tổng diện tích 51 ha. KCN Âu Lâu với diện tích 120 ha nhưng cho đến nay mới đang triển khai đo đạc lập bản đồ, thu hồi đất. KCN Bắc Văn Yên với diện tích 70 ha nhưng cũng chỉ có 4 nhà máy đi vào sản xuất và 3 dự án đăng ký đầu tư...
Qua đó cho thấy các KCN được quy hoạch xây dựng khá hoành tráng nhưng vẫn chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư, nếu cứ tốc độ thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp như thời gian qua thì hàng chục năm nữa chúng ta vẫn chưa lấp đầy được các KCN này.
Nguyên nhân chính là chúng ta vẫn chưa thu hút được các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong và ngoài KCN. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu của các nhà đầu tư; chính sách thu hút vào các KCN chưa thật hấp dẫn...
* Ông Nguyễn Minh Toàn - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Yên Bái:
“Để thu hút đầu tư vào tỉnh cũng như KCN, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, giải quyết các thủ tục đầu tư nhanh chóng, thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các KCN. Tỉnh xác định đây là khâu quan trọng trong xúc tiến, thu hút mời gọi nhà đầu tư vào các KCN. Thực tiễn cho thấy địa phương nào thu hút được nhiều dự án lớn, thành công đều do cải cách thủ tục hành chính tốt nhất”. |
Một thực tế nữa là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN chủ yếu trông vào nguồn vốn ngân sách địa phương do đó rất khó khăn. Ngoại trừ KCN phía Nam còn lại các KCN chưa xây dựng đầy đủ hạ tầng đáp ứng nhà đầu tư, từ điện, đường, nước, cây xanh, viễn thông đặc biệt khu đô thị gắn với KCN.
Huy động mọi nguồn lực, tổ chức doanh nghiệp cùng với nguồn vốn ngân sách xây dựng hoàn thiền các hạng mục khu công nghiệp như: điện, đường, nước, bưu chính viễn thông, khu xử lý chất thải rắn, lỏng, xây dựng quần thể cây xanh để tạo dựng môi trường trong lành. Xây dựng KCN gắn với xây dựng khu đô thị tạo thế liên kết trong cung ứng lao động, dịch vụ cho KCN.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư bởi nhiều năm nay tỉnh đã làm tốt công tác quy hoạch phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chế biến như vùng chè, vùng cây ăn quả, vùng sắn, vùng rừng kinh tế.
Nhờ vậy, đến nay đã có trên 13 ngàn ha chè với sản lượng trên 85 ngàn tấn búp, vùng gỗ công nghiệp trên 200 ngàn ha, sản lượng khai thác đạt 200 ngàn m3. Bên cạnh đó, Yên Bái còn được thiên nhiên ban tặng nhiều tài nguyên khoáng sản, phong phú về chủng loại, hiện trên địa bàn có 257 điểm mỏ thuộc nhóm năng lượng, vật liệu xây dựng, kim loại và nước khoáng.
Đặc biệt, các mỏ đá vôi trắng hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất chất độn cao cấp trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng, hoá mỹ phẩm, dược, chế biến cao su, sơn, đồ nhựa, sản xuất giấy, giầy, dép... Đó là những lợi thế, tiềm năng không phải địa phương nào cũng có được, Yên Bái luôn rộng cửa hợp tác đón chào các nhà đầu tư.
Theo YBĐT