Các nhà máy gồm: Nậm Đông III, Nậm Đông IV, Hồ Bốn, Ngòi Hút 1, Mường Kim, Hưng Khánh, Nậm Tục (bậc 2), Văn Chấn với tổng công suất lắp máy 122,8 MW và 19 dự án đang triển khai. Trong đó có 04/19 dự án đang triển khai thi công, gồm: Khao Mang, Khao Mang Thượng, Ngòi Hút 2, Hát Lìu; 05/19 dự án đang làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, gồm: Khau Chu, Đồng Ngãi, Chấn Thịnh, Cụm dự án xã Chế Tạo, Phìn Hồ; 06/19 dự án đang dừng thi công, gồm: Trạm Tấu, Làng Bằng, Vực Tuần, Nậm Tăng, Nậm Tục (Bậc 1), Nà Hẩu; 03/19 dự án chưa triển khai gồm: Bản Công, Phìn Hồ, Nậm Búng.
Hầu hết các dự án triển khai rất chậm, việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện chưa được các chủ đầu tư quan tâm. Vừa qua Sở Công Thương đã tiến hành kiểm tra một số dự án thủy điện đã phát điện và đang triển khai thi công, về cơ bản các Chủ đầu tư đã tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc quản lý chất lượng, an toàn đập, đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, tuy nhiên công tác phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan còn chưa được triển khai.
Xác định công tác quản lý an toàn đập đối với các dự án thủy điện là vô cùng quan trọng, Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc tuân thủ nội dung, trình tự đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng theo các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ (nay là Nghị định số số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013) về quản lý chất lượng công trình và các Văn bản khác liên quan đến chất lượng công trình. Trong thời gian qua Sở Công Thương tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các dự án thủy điện. Tuy nhiên, đến nay một số nhà máy thủy điện còn chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định
Đối với những dự án thủy điện đang triển khai thi công, các tồn tại chủ yếu tập trung ở khâu lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật các bước. Chưa thực hiện đầy đủ các quy định về thi công, nghiệm thu xây dựng các hạng mục công trình. Các Chủ đầu tư dự án chỉ quan tâm chú trọng đến việc đẩy nhanh tiến độ thi công, hiệu quả kinh tế của dự án mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường...
Đối với các dự án đã phát điện, các tồn tại tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: lập quy trình vận hành hồ chứa; lập các phương án Phương án bảo vệ đập; phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập trong mùa lũ; phương án phòng chống lũ, lụt cho vùng hạ du đập do xả lũ hồ chứa hoặc sự cố đập; kiểm định an toàn đập, chứng nhận sự phù hợp về chất lượng công trình xây dựng; lắp đặt các thiết bị quan trắc đập; cắm mốc bảo vệ hành lang đập và hồ chứa...
Nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại nêu trên do chi phí đầu tư, thực hiện lớn. Mặt khác diễn biến thời tiết phức tạp, điều kiện thi công khó khăn, lượng mưa trên các lưu vực ít, tổn thất bốc hơi tăng và khả năng giữ nước của rừng đầu nguồn giảm, sản lượng điện thương phẩm thấp kéo theo doanh thu từ việc phát điện của các nhà máy không bảo đảm, không đủ chi trả phần gốc và lãi vay do đầu tư ban đầu vì vậy các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn tài chính để thực hiện. Ngoài ra việc cập nhật các quy định của Nhà nước của các đơn vị còn chưa kịp thời.
Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối kết hợp giữa các ngành, các cấp, cương quyết xử lý các đơn vị vi phạm, đồng thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Chứng nhận đầu tư đối với nhà máy thủy điện cố tình vi phạm nhằm đưa các công trình thủy điện đi vào vận hành an toàn, ổn định, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du…
Nguồn: Phòng QLĐN