Bạn đang ở đây

Yên Bái: Sản xuất công nghiệp nỗ lực “cán đích”

26/11/2015 09:39:50

Năm 2015, tỉnh Yên Bái đặt ra chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) đạt 7.500 tỷ đồng. Mặc dù được dự báo là tiếp tục khó khăn về kinh tế, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành và các cấp đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhờ đó, giá trị SXCN 11 tháng ước đạt 6.880 tỷ đồng (bằng 91,7% so với kế hoạch năm, tăng 6,84% so với cùng kỳ).

Theo báo cáo của ngành Công thương, SXCN 11 tháng năm 2015 của tỉnh Yên Bái chủ yếu vẫn tập trung duy trì sản xuất ở một số ngành sản phẩm có thế mạnh như: đá xây dựng ước đạt 538.176 m3; cao lanh và đất sét cao lanh ước đạt 40.459 tấn; dầu, mỡ thực vật tinh luyện khác ước đạt 182 tấn; điện thương phẩm ước đạt 516,9 triệu Kwh; điện sản xuất ước đạt 524,8 triệu Kwh; xi măng Portland đen ước đạt 816,4 ngàn tấn; chè nguyên chất (chè đen và xanh) ước đạt 24.421 tấn; tinh bột sắn, bột dong riềng ước đạt 30.271 tấn; giấy làm vàng mã ước đạt 34.715 tấn...

Một số ngành sản phẩm có chỉ số sản xuất giảm so với cùng kỳ là quặng sắt và tinh quặng sắt ước đạt 212.019 tấn; đá phiến, đã hoặc chưa đẽo thô hay mới chỉ cắt, thành khối hoặc tấm hình chữ nhật, hình vuông ước đạt 93.014 m3...

Trong 9 huyện, thị xã, thành phố, có 8 địa phương tình hình SXCN tăng trưởng khá. Riêng huyện Trấn Yên mức tăng trưởng thấp hơn do thời tiết nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây chè. Sản lượng chè búp tươi giảm. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá bán sản phẩm giảm do chất lượng không bảo đảm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhiều) một số doanh nghiệp chế biến chè phải dừng hoạt động và giảm quy mô sản xuất.

Đối với công nghiệp khai khoáng, do giá bán sản phẩm quặng tinh chế biến trên thị trường giảm, doanh thu từ bán sản phẩm không đủ bù chi phí nên sản xuất chưa phát huy hết công suất. Mặt khác, Công ty TNHH Minh Thiện chuyển trụ sở về thành phố Yên Bái nên 6 tháng cuối năm 2015 sản lượng sản phẩm đũa gỗ xuất khẩu không tính cho huyện Trấn Yên cũng là một nguyên nhân khiến cho chỉ số SXCN của huyện tụt giảm.

Ông Phạm Trung Lân - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Sở Công thương cho biết: "SXCN vẫn giữ được nhịp độ sản xuất và có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, SXCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do giá thành sản phẩm thấp (tinh dầu quế, gỗ ván bóc, gỗ xẻ), thị trường tiêu thụ thu hẹp (tinh bột sắn, xi măng), quy mô, năng lực của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ (chè, tinh dầu quế) chi phí cao, chất lượng sản phẩm thấp, chủ yếu là sản phẩm thô (đá khai thác), sức cạnh tranh còn yếu chưa kịp thích ứng với biến động của thị trường".

Theo ông Lân, lãi suất ngân hàng cao, cơ chế thẩm định vốn vay còn khắt khe nên các doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Khai thác, chế biến khoáng sản là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng phát triển. Một số dự án khai thác chế biến khoáng sản chưa phát huy hiệu quả, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện chưa tốt việc tận thu khoáng sản. Hệ thống giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu vận chuyển sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Để ổn định phát triển SXCN, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao năm 2015, các sở, ban, ngành và các địa phương cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Công thương tiếp tục đề xuất tập trung, chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố năm bắt tình hình SXCN - thương mại trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; động viên các doanh nghiệp có giá trị SXCN chiếm tỷ trọng lớn, có sản lượng hàng hóa xuất khẩu cao đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, cần sự nỗ lực rất lớn từ phía các doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để SXCN năm 2015 đạt được kế hoạch đề ra, phát triển ổn định, bền vững.

 

Ông Đinh Bá Toản - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh phân tích: 

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 của tỉnh Yên Bái (tính theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 7.555,6 tỷ đồng, bằng 100,73% kế hoạch năm 2015, tăng 7,9% so với năm 2014.

Hai ngành công nghiệp dự kiến đạt kế hoạch là ngành công nghiệp chế biến ước đạt 5.471,3 tỷ đồng, bằng 107% kế hoạch; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 29,3 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch.

Hai ngành còn lại là ngành công nghiệp khai khoáng; ngành sản xuất và phân phối điện, khi đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí dự kiến không đạt kế hoạch năm 2015. Nguyên nhân do hai doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất của ngành là Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Yên ngừng khai thác quặng sắt từ đầu năm do hết hạn cấp phép khai thác tại mỏ quặng thuộc xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên và Công ty cổ phần Phát triển số 1 khai thác quặng sắt tại mỏ sắt Làng Mỵ, huyện Văn Chấn với sản lượng khai thác rất thấp.

Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí dự kiến không đạt kế hoạch năm 2015 do sản lượng điện phát ra của các nhà máy thủy điện đạt thấp”.

Theo YBĐT