Việc xây dựng và đưa Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh vào hoạt động là một việc làm rất cần thiết; Tạo dựng một môi trường kinh doanh trực tuyến, lành mạnh và thuận lợi, cách thức kinh doanh thương mại hiện đại, giúp doanh nghiệp phát huy tốt, hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước góp phần đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại.
Sau 01 năm đưa sàn vào vận hành, hiện nay Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Yên Bái đã có 170 lượt doanh nghiệp tham gia đăng ký thành viên trên sàn và 750 lượt sản phẩm chào mua, chào bản sản phẩm trên Sàn; trong đó có hơn 70% doanh nghiệp tỉnh Yên Bái ký tham gia thành viên trên Sàn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đăng ký tham gia thành viên. Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Yên Bái được xây dựng với các chuyên mục chính: Doanh nghiệp (thành viên); Chào bán sản phẩm hàng hóa; Chào mua sản phẩm hàng hóa; Sản phẩm tiêu biểu; Kiến thức tiêu dùng; Chuyên mục các Tin tức…
Số lượt truy cập trên sàn giao dịch thương mại điện tử đến thời điểm hiện nay là trên 50.000 lượt truy cập. Trong đó các nhóm sản phẩm của tỉnh được đăng tải chào bán trên sàn gồm: Thủ công mỹ nghệ: 70 sản phẩm; Nông sản: 30 sản phẩm; Thực phẩm và đồ uống: 40 sản phẩm; Khoáng sản: 40 sản phẩm; Gỗ và các sản phẩm từ gỗ: 30 sản phẩm... Các sản phẩm được khách hàng truy cập tìm kiếm thông tin thường xuyên: Tinh bột sắn: 3.860 lượt truy cập; Sản phẩm Chè các loại: 2.895 lượt truy cập; Sản phẩm Quế, tinh dầu quế: 2.950 lượt truy cập; Sản phẩm: Giấy đế, gỗ các loại: 3.760 lượt truy cập; Khoáng sản các loại: 2.950 lượt truy cập, tranh đá quí: 3.560 lượt truy cập….
Một số doanh nghiệp đăng tải thông tin, sản phẩm của doanh nghiệp trên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Yên Bái, bước đầu đã thu được hiệu quả thông qua việc quảng bá trên sàn đã kết nối với khách hàng và bán được sản phẩm: Công ty TNHH cơ khí Hồng Hà; HTX chè Hương Lý; Nhà máy nghiền CaCO3- sản phẩm bột đá; Công ty TNHH tranh đá quý Việt Nam; Cơ Sở sản xuất Tranh đá quý Tuấn Thuận; Công ty TNHH Đức Thiện- Chè Suối Giàng; Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn; Công ty TNHH Chè Hữu Hảo; Doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa; Công ty cổ phần Yên Thành; Hợp tác xã Suối Giàng…
Việc ứng dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn hiện nay tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng ứng dụng TMĐT của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng website của doanh nghiệp còn ít, các trang của doanh nghiệp hầu hết bằng tiếng Việt và chỉ đơn thuần giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm, chưa có đầy đủ các chức năng nhận đơn hàng, bán hàng qua mạng. Các doanh nghiệp của tỉnh Yên Bái tham gia đăng ký thành viên và giới thiệu sản phẩm chưa nhiều và thực sự doanh nghiệp chưa quan tâm đến hoạt động này. Doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa có thói quen mua bán hàng, đặt hàng qua mạng… Để khắc phục tình trạng trên Trung tâm Xúc tiến thương mại - Sở Công thương tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, phổ biến kiến thức để nâng cao vai trò quản lý nhà nước về thương mại điện tử cho cán bộ lãnh đạo, cấp quản lý các sở, ban ngành, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho một số doanh nghiệp xây dựng trang web nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và sàn giao dịch. Bên cạnh đó các buổi tư vấn kỹ năng cho các doanh nghiệp nhằm giúp họ khai thác hiệu quả của sàn giao dịch cũng sẽ tiếp tục được tổ chức.
Trong thời gian tới Ban quản trị Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Yên Bái mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Công Thương; Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái, sự phối hợp của các sở, ban, ngành trong tỉnh. Đặc biệt là Cục TMĐT& CNTT Bộ Công Thương cùng với sự chung tay góp sức cộng tác tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân để Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Yên Bái hoạt động có hiệu quả, thiết thực, góp phần vào sự phát triển TMĐT của tỉnh, đáp ứng cho yêu cầu của sự phát triển./.
Nguyễn Đình Chiến – PGĐ Sở Công Thương
Trưởng ban Quản trị sàn