Bạn đang ở đây

Yên Bái: Phát huy vai trò “đầu tầu” nền kinh tế

31/08/2011 17:23:41
Vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được coi trọng, việc trợ giúp phát triển sản xuất, mời gọi và ứng xử với các nhà đầu tư thông qua cơ chế chính sách khuyến khích của Nhà nước, của địa phương đã có những tiến bộ vượt bậc.
 
Câu chuyện của năm 2009, trong bối cảnh ảnh hưởng suy thoái kinh tế, tỉnh đã hỗ trợ, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp gần 113 tỷ đồng; hỗ trợ vận tải, xuất khẩu, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp, hỗ trợ 100% lãi suất cho các sản phẩm có liên quan tới nông nghiệp, nông dân; bảo lãnh vay vốn 140 tỷ đồng và 12 tỷ đồng khác từ ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất. Tạo ra “môi trường” thông thoáng cho doanh nghiệp, riêng năm 2009, Yên Bái có 46 dự án đầu tư mới của các doanh nghiệp với tổng số vốn 1.232 tỷ đồng.
 
Tính từ năm 2000 – 2009, tỉnh đã có 240 dự án đầu tư, trong đó 84 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 132 dự án đang thực hiện. Nhiều dự án đầu tư đã hoàn thành phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh như: sản xuất xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, đá bột, chế biến tinh bột sắn, chế biến chè CTC…
 
Sự phát triển của các doanh nghiệp đã gắn với giải quyết các vấn đề xã hội một cách tích cực: gần 22.000 lao động trong các doanh nghiệp đã được giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập; 72% trong số đó đã được đóng bảo hiểm xã hội. Đóng góp cho nền kinh tế, các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách gần 286 tỷ đồng, tăng 24,89% so với năm trước, trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh nộp trên 117,8 tỷ đồng, doanh nghiệp quốc doanh trên 79 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nộp trên 9,1 tỷ đồng.
 
Sự phát triển và đóng góp cho nền kinh tế xã hội của doanh nghiệp là đáng ghi nhận nhưng nhìn trở lại thấy còn nhiều vấn đề đặt ra. Doanh nghiệp Yên Bái chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ba năm trước 53% doanh nghiệp có vốn đầu tư dưới 1 tỷ đồng, số doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại chiếm 20%. Hiện tại, đã có sự cải thiện nhưng quy mô vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp bình quân mới đạt 5,7 tỷ đồng. 5 năm gần đây Yên Bái luôn đứng trong nhóm các tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh tốt, nhưng các doanh nghiệp Yên Bái còn nhiều hạn chế:
 
Sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp chưa cao, nguyên nhân là trình độ quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, công tác thị trường chưa được quan tâm thích đáng. Hết các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu biện pháp huy động nguồn lực hiệu quả, phù hợp; thiếu chiến lược sản xuất, kinh doanh. Về khách quan, còn một số hạn chế trong công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, sự gắn kết từ các cơ quan quản lý còn chưa chặt chẽ và nhiều hạn chế khác…
 
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đề ra năm 2010 là 13% trở lên, doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong thực hiện mục tiêu này. Vấn đề đặt ra với các doanh nghiệp là phải có sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, sức cạnh tranh của doanh nghiệp bắt đầu từ việc doanh nghiệp sản xuất ra loại sản phẩm gì, trong đó công nghệ sản xuất cực kỳ quan trọng. Các doanh nghiệp sản xuất chế biến (thống kê chưa đầy đủ) chỉ non 1/3 có trang thiết bị công nghệ hiện đại và khá hiện đại. Vốn được ví như máu của doanh nghiệp, vốn có thể là một khó khăn với doanh nghiệp này nhưng có thể giải quyết với doanh nghiệp khác, vấn đề là tính khả thi của dự án và sự năng động, dám nghĩ dám làm, biết liên kết làm ăn.
 
Công tác đào tạo nhân lực, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, xúc tiến thương mại rất cần được đầu tư thích đáng và khi đã có thương hiệu thì sống chết phải giữ vững thương hiệu, không để lợi nhuận nhất thời hay quản lý yếu kém làm mai một thương hiệu, mất uy tín sản phẩm.
 
Theo YBĐT.