10/09/2011 16:45:05
Trong thời gian qua trên địa bàn các tỉnh phía Bắc đã có khá nhiều hộ cá thể, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè bẩn làm ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Nguy hại hơn là nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, uy tín, thương hiệu chè Việt Nam nói chung và chè Yên Bái nói riêng. Trước thực trạng trên, tỉnh Yên Bái đã có nhiều biện pháp mạnh, kiên quyết xử lý triệt để, không để “chè bẩn” có đất sống trên địa bàn.
Từ cuối tháng 6 trở lại đây tình trạng thu hái chè búp không đảm bảo chất lượng cho chế biến, doanh nghiệp chè thiếu nguyên liệu để sản xuất, tình trạng sản xuất chè vàng, “chè cháo” “chè bẩn” diễn ra tràn lan.
Đi dọc tuyến quốc lội 32 từ xã Hưng Khánh (Trấn Yên) vào tới thị tứ Ba Khe (Văn Chấn) người dân, xưởng sản xuất chè phơi đầy hai bên đường như phơi thóc mặc cho đất đá bụi bẩn bay mù mịt, mặc cho gà, chó đi lại... về mặt cảm quan đã thấy rất mất vệ sinh. Đi sâu vào các bản, làng được chứng kiến “công nghệ” làm “chè bẩn” lại càng hãi hùng hơn, người ta quấy cháo sắn, cháo ngô rồi đổ vào cối vò chè. Thật khủng khiếp thứ thực phẩm dùng để uống hàng ngày mà lại được sản xuất mất vệ sinh như vậy.
Một giám đốc có thâm niên trong sản xuất kinh doanh chè bức xúc: “Thật kinh khủng, người làm chè như vậy không thể chấp nhận được! vì cái lợi trước mắt nhưng nó sẽ làm mất uy tín, thị trường chè Yên Bái. Ngay đầu vụ đã có những người đến Công ty đặt hàng và ứng tiền trước cho để sản xuất “chè bẩn” nhưng chúng tôi cương quyết không làm. Dẫu sản xuất “chè bẩn” lãi hơn chè sạch nhưng đó chỉ là cách làm chộp giật, chứ không phải cách làm của một doanh nghiệp chân chính, gắn bó với chè, yêu chè, tâm huyết với chè và vì cộng đồng”.
Sản xuất chè bẩn làm cho nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè chân chính điêu đứng vì không thu mua được nguyên liệu đáp ứng cho chế biến. Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu sản xuất, chế biến có nguy cơ phá sản, kéo theo hàng loạt lao động không có việc làm, Nhà nước thất thu thuế. Nguy hại hơn là làm “chè bẩn” như hiện nay kéo theo bao hệ lụy, thương hiệu, uy tín chè bị giảm sút trên thị trường quốc tế và có nguy cơ “khai tử” của vùng chè đã được xây dựng vun đắp từ hơn 50 năm nay.
Trước thực trạng sản xuất, kinh doanh “chè bẩn”, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện gửi các địa phương về việc chấn chỉnh lại sản xuất, chế biến và kinh doanh chè, nâng cao chất lượng sản phẩm chè Yên Bái. Đặc biệt trong 2 ngày 21-22/7, đích thân Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Nguyên đã đi kiểm tra và làm việc với hai huyện trọng điểm của chè là Văn Chấn và Trấn Yên.
Cùng với đó thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (Công an, Quản lý thị trường, Y tế, nông nghiệp) đi kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến, thu mua, buôn bán, vận chuyển nguyên liệu chè và các sản phẩm chè đã qua chế biến trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt chú trọng địa bàn huyện Văn Chấn và Trấn Yên, các cơ sở chế biến chè thủ công bắt đầu từ ngày 21/7 đến hết ngày 30/9/2011.
Sau 20 ngày, Đoàn đã kiểm tra 20 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh chè, phát hiện và xử lý 15 cơ sở, tiến hành xử phạt hành chính 86.400 ngàn đồng và buộc tiêu huỷ 7,4 tấn chè. Qua quá trình kiểm tra cho thấy hầu hết các cơ sở chế biến, kinh doanh chè vi phạm không công bố tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè; sản xuất chè có nhiễm bẩn và có vi sinh vật gây bệnh vượt quá giới hạn cho phép; sản xuất chè ở môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Đặc biệt ngày 1/8, Đội cơ động Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và thu giữ 5 tấn chè do bà Phạm Thị Tính cư trú tổ 13, xã Tân Thịnh huyện Văn Chấn đang vận chuyển đi tiêu thụ. Sau khi thu giữ và lấy mẫu đi xét nghiệm y tế cho thấy chỉ tiêu vi sinh của chè vượt quá giới hạn cho phép. Chi cục Quản lý thị trường đã phạt hành chính 12.500 ngàn đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số chè trên. Không chỉ có đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh mà huyện Văn Chấn, Trấn Yên cũng thành lập các đoàn đi kiểm tra việc sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.
Thời gian tới, Yên Bái sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến chè trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra phát hiện doanh nghiệp, cá nhân vi phạm xử lý nghiêm minh, kiên quyết không để chè bẩn có đất sống. Đơn vị nào cố tình vi phạm thì xử lý rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa nhà máy, thậm chí truy tố trước pháp luật. Không thể để chè bẩn làm ảnh hưởng đến một ngành chế biến có tổng giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm và hàng chục ngàn lao động đi theo.
Theo Báo Yên Bái