Bạn đang ở đây

Yên Bái: Hướng phát triển bền vững của cây chè

24/05/2013 11:06:19

Diện tích trồng chè cả nước hiện đạt 124.000ha. Sản lượng chè năm 2012 đạt 210.000 tấn trong đó 160.000 tấn (chiếm 76%) dành cho xuất khẩu đạt kim ngạch 243 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của chè Việt là Pakistan, Đài Loan, Indonesia, Nga, Trung Quốc, Afghanistan, Mỹ, Iran, Ba Lan và Malaysia.

Yên Bái là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất nước. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 ha chè, trong đó có hơn 2.296 ha chè Shan, trên 2.668 ha chè lai LDP, 1.551 ha chè nhập nội, 4.688 ha chè trung du....Vùng chè tập trung có diện tích lớn nhất  là các huyện Văn Chấn 4.393 ha, Trấn Yên 2.074 ha và Yên Bình 1800 ha. Năng suất chè búp tươi năm 2012 đạt bình quân 8,4 tấn/ha. Sản lượng chè búp tươi đạt từ 91.000 tấn/năm. Tổng sản lượng chè khô đạt 20.000 tấn chè khô gồm chè đen, chè xanh các loại. Tổng giá trị sản phẩm chè qua chế biến đạt trên 400 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2012 trên địa bàn có 104 cơ sở chế biến gồm: Đơn vị trung ương 4 cơ sở; địa phương 4 cơ sở; công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân 62 cơ sở; liên doanh nước ngoài 02 cơ sở; hợp tác xã, cơ sở chế biến 32 cơ sở. Trong đó có 10 cơ sở đang tạm ngừng hoạt động. Theo thống kê chưa đầy đủ, còn khoảng 400 cơ sở chế biến nhỏ quy mô hộ gia đình. Tổng công suất chế biến đạt 1.213 tấn chè búp tươi/ngày. Do nhiều cơ sở chế biến xây dựng không theo quy hoạch vì vậy nguyên liệu chè búp tươi mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của các cơ sở chế biến.

Vào vụ Chè năm nay, những bất cập đã gõ cửa cả vùng chè chất lượng cao Suối Giàng. Do không quản lý được chất lượng đầu vào và cả đầu ra, thương hiệu thì chưa được đăng ký, sản phẩm chè Suối Giàng nổi tiếng cả nước đang dần đánh mất mình. Mùa chè, những căn nhà người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn vắng lặng. Già trẻ đều lên nương hái chè. Với 7.000 – 15.000 đồng một cân chè búp tươi, thì mỗi ngày một gia đình ít nhất cũng thu được vài trăm nghìn đồng. Chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng cả nước về hương vị nên chưa bao giờ mất giá. Thậm chí mùa này, dân hái đến đâu là thương nhân ào ngay đến cân hàng. Mạnh ai nấy mua, cứ trả giá cao là được. Có điều các thương lái mua xô bồ, không cần chuẩn 1 tôm 2 lá như bao năm nay người làm chè Suối Giàng vẫn đặt ra. Trước cảnh các thương nhân đứng cả ngày chờ người dân thu hái thì việc mua chè của các xưởng, các hợp tác xã có trụ sở ngay tại địa phương là rất khó khăn. Với hơn 400 ha cây chè cổ thụ, mỗi năm bà con xã Suối Giàng chỉ thu được khoảng 400 tấn búp tươi, tương đương 100 tấn chè khô thành phẩm. Lượng chè này tính ra chỉ đủ cho người dân địa phương và một vài nơi trong tỉnh dùng trong năm, vậy mà từ Yên Bái tới Hà Nội và các tỉnh lân cận, đâu đâu cũng thấy bán chè Suối Giàng! Điều đó đồng nghĩa với việc có sự gian lận. Biết các thương nhân mang chè của xã nhà đi nơi khác chế biến nhưng không biết chế biến thế nào và chất lượng ra sao. Chỉ cần trộn thêm một chút chè khác vào thôi là hương vị chè Suối Giàng suy giảm hẳn. Uống phải thứ chè đó với giá nửa triệu đồng 1 kg, chắc hẳn chè Suối Giàng sẽ không còn được khách hàng mua lần thứ hai. 

 

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều giải pháp, trong đó kiên quyết tịch thu và thiêu hủy các loại chè kém chất lượng và rút giấy phép hoạt động của các cơ sở chế biến chè "bẩn". Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã không còn tình trạng sản xuất “chè bẩn”. Chè Yên Bái đang từng bước khắc phục và tìm nhiều hướng đi mới để khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường.

Về lâu dài để khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh ngành chè Yên Bái, Tỉnh ủy Yên Bái đã có Kết luận số 11-KL/TU ngày 11 tháng 4 năm 2012 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 04 tháng 4 năm 2006 của Ban thường vụ Tỉnh ủy khoa XVI về “ Phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2010”. Tỉnh ủy đã giao cho Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CHÈ TỈNH YÊN BÁI” giai đoạn 2013-2015.

Tỉnh đang  khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến chè với công nghệ tiên tiến như dây chuyền sản xuất chè đen theo công nghệ CTC, dây chuyền sản xuất chè xanh chất lượng cao, dây chuyền tinh chế và đấu trộn chè thành phẩm, chế biến chè nhúng, chè hòa tan, chè thảo mộc...Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Yên Bái ngoài cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Yên Bái sẽ có những chính sách ưu đãi như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xúc tiến thương mại, lãi suất sau đầu tư và các hoạt động xúc tiến đầu tư…tạo điều kiện tốt nhất cho công nghiệp sản xuất chế biến chè.

Đặc biệt là trong đầu tư trồng mới, trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng giống chè mới năng suất, chất lượng cao. Trong năm, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương trồng và cải tạo được 400 ha chè, tăng 100 ha, vượt 33,3% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, còn xây dựng vùng chè sạch, chè an toàn đạt các quy chuẩn VietGap, GlobalGap, ISO...

 Sở Công Thương tập trung  phát triển  các cơ sở chế biến chè, trong hoạt động khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền máy móc, đổi mới công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Lực lượng quản lý thị trường đã có biện pháp để ngăn ngừa xử lý gian lận, làm hàng giả, nhái, kém chất lượng. Hướng dẫn các doanh nghiệp  trong sản xuất sạch hơn. Giúp đỡ các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chè cho các doanh nghiệp. Tập trung xây dựng đường điện cung cấp điện ổn định cho các xã vùng chè  trên địa bàn toàn tỉnh.

Để sản xuất, kinh doanh chè hiệu quả, người làm chè sống được bằng chè,. Người dân, doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất chè sạch, chè an toàn, thay đổi cách làm chè bằng kinh nghiệm truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; ngành nông nghiệp, các huyện, thị phải thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp về sản xuất, chế biến chè an toàn, chè sạch.

Trong chế biến phải rà soát và sàng lọc chọn doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính, công nghệ chế biến tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh công nghiệp để đầu tư phát triển.

 Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư riêng trong sản xuất chế biến chè, nhất là trong chế biến chè sạch, chè an toàn, chè tinh. Đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần nâng cao đời sống, thu nhập ổn định cho người dân làm Chè./.

Nguồn: Phòng QLCN