Nghị định 134/2004/NĐ-CP (nay đã sửa đổi thay thế bằng Nghị định 45/2012/NĐ-CP) được Chính phủ ban hành cho thấy sự cần thiết của phát triển công nghiệp nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của mỗi địa phương. Đánh giá được tầm quan trọng đó đối với phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm cho hoạt động Khuyến công của tỉnh trong những năm vừa qua. Đặc biệt trong giai đoạn 2010 – 2012 tỉnh đã dành trên 5,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho hoạt động này. Với nguồn kinh phí được phê duyệt, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Công Thương Yên Bái, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN đã phối hợp với phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các huyện thị, thành phố triển khai thực hiện 104 đề án để hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các cơ sở, doanh nghiệp, HTX. Nguồn kinh phí hỗ trợ đã góp phần động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư vốn đổi mới và hiện đại hóa dây chuyền công nghệ sản xuất. Từ đó đã tăng được năng xuất lao động, giảm chi phí nguyên, nhiên vật liệu đầu vào hạ giá thành sản phẩm, nâng cao được năng lực cạnh tranh cho cơ sở.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí đầu tư cho các cơ sở sản xuất CNNT, Khuyến công tỉnh Yên Bái còn chú trọng tới công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những chính sách về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Công tác tuyên truyền trong giai đoạn này đã xây dựng được 36 chuyên mục Khuyến công phát sóng định kỳ hàng tháng trên Đài truyền hình Địa phương; Cung cấp thông tin về hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh trên Website, Bản tin Sở Công Thương, Tạp chí Công Nghiệp Bộ Công Thương, Bản tin Khyến công Cục công nghiệp Địa phương, Báo Yên Bái… Hoạt động tuyên truyền trong thời gian qua đã góp phần tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cũng từ hoạt động tuyên truyền đã giúp các cơ sở sản xuất CNNT nắm bắt được điều kiện, đối tượng… để được hưởng chính sách hỗ trợ và chủ động tiếp cận, từ đó việc triển khai hoạt động khuyến công đã được thuận lợi hơn.
Hoạt động khuyến công giai đoạn 2010 - 2012 được triển khai có hiệu quả đã góp phần thu hút được trên 80 tỷ đồng vốn đầu tư vào sản xuất CNNT từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Số cơ sở tham gia sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tăng lên hàng năm: năm 2010 là 7.367 cơ sở; năm 2011 có 8.176 cơ sở (tăng 10,9% so với năm 2010); năm 2012 có 8.230 (ước) cơ sở (tăng 0,66% so với năm 2011). Góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh: năm 2010 đạt 2.850 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2009); năm 2011 đạt 3.361 tỷ đồng (tăng 17% so với năm 2010); năm 2012 đạt 3.851 tỷ đồng (tăng 14% so với năm 2011). Số lao động thu hút tham gia sản xuất CN-TTCN cũng tăng lên hàng năm: 25.431 lao động năm 2010; 29.298 lao động năm 2011 (tăng 15% so với năm 2010); 31.251 (ước) lao động (tăng 6,6% so với năm 2011). Giá trị xuất khẩu hàng hóa cũng được tăng trưởng khá: năm 2010 đạt 29.332 nghìn USD (tăng 63% so với năm 2009); năm 2011 đạt 35.904 nghìn USD (tăng 22% so với năm 2010); năm 2012 đạt 45.926 nghìn USD (tăng 27% so với năm 2011). Trong giai đoạn này, hoạt động khuyến công địa phương đã có tác động góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn với tốc độ tăng trưởng nhanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2010 – 2012, dự báo được tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2013 sẽ còn diễn biến phức tạp, tình trạng nợ xấu, hàng tồn kho, giá cả vật tư, nguyên nhiên vật liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao. Trong bối cảnh đó, để góp phần tháo gỡ những khó khăn và động viên, khuyến khích doanh nghiệp ổn định sản xuất cũng như tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh ở địa bàn nông thôn. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn và Chương trình kế hoạch đã được tỉnh phê duyệt, ngay từ quý III/2012 Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị, thành phố rà soát, nắm bắt tình hình của các cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương để triển khai xây dựng đề án hỗ trợ kinh phí đầu tư cho cơ sở trình cấp có thẩm quyền thẩm đình và phê duyệt.
Kết quả, ngày 08/2/2013 đã được UBND tỉnh phê duyệt 02 tỷ đồng, trong đó 1,66 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí đầu tư cho 24 cơ sở, doanh nghiệp và HTX, phần kinh phí còn lại cho các hoạt động khuyến công khác. Nguồn kinh phí hỗ trợ được phân bổ cho 9/9 huyện, thị, thành phố. Từ nguồn kinh phí này sẽ góp phần động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất CNNT. Nguồn kinh phí được các doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể cam kết đầu tư là trên 20 tỷ đồng, tập trung vào các ngành nghề như chế biến nông lâm sản, sản xuất gia công cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng ứng dụng công nghệ mới, sản xuất vật tư nông nghiệp… từ đó sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng trên 500 lao động nhàn rỗi trong tỉnh. Để nguồn kinh phí hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN đã khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề án và triển khai ký hợp đồng thực hiện với các cơ sở thụ hưởng.
Với sự lãnh đạo của Sở Công Thương và quyết tâm cao của toàn thể cán bộ Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN, có thể tin tưởng hoạt động khuyến công tỉnh Yên Bái năm 2013 sẽ tiếp tục được triển khai có hiệu quả, tạo đà thúc đẩy công nghiệp nông thôn của tỉnh phát triển. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Nguồn: TTKC&TVPTCN